Nêu bức tranh về thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) của lao động phi chính thức, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, trong mấy chục triệu lao động phi chính thức, chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại bảo hiểm nào.

Giải bài toán kinh tế để tham gia BHXH

Thực tế này đã và đang dẫn đến tình trạng "lọt lưới an sinh" ở phần lớn người lao động. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản…

Theo ông Tạ Việt Anh, ngoài những thiệt thòi trong quá trình lao động, khi về già, lao động phi chính thức cũng không có các khoản tài chính hỗ trợ như lương hưu, tử tuất, BHYT miễn phí, mai táng phí… Khi đó, họ có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng mất an toàn tài chính hoặc cuộc sống phụ thuộc vào con cháu, vào xã hội.

Chị Nguyễn Thị Mai (Cần Giuộc - An Giang) làm lao động tự do chia sẻ, nhiều lần đã suy nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện nhưng sau đó không thực hiện được vì bài toán kinh tế không đảm bảo.

leftcenterrightdel
 Mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện đã và đang trở thành “điểm sáng” về giải pháp thu hút NLĐ khu vực phi chính thức vào “lưới” an sinh xã hội.

Nỗi lo của chị Mai cũng là nỗi trăn trở mà nhiều người lao động phi chính thức đang gặp phải. Theo đó, với ý nghĩa thiết thực giúp mọi người dân đều có cơ hội được hưởng chính sách hưu trí để đảm bảo an sinh khi về già, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bến Tre, Hà Tĩnh đã có các cách làm hay, mô hình sáng tạo nhằm giúp người dân, nhất là nông dân, người lao động tự do có ý thức chủ động tiết kiệm tài chính, tích lũy khi trẻ, vui khỏe khi già nhờ tham gia BHXH tự nguyện.

Tại tỉnh Bến Tre, mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện đã và đang trở thành “điểm sáng” về giải pháp thu hút người lao động khu vực phi chính thức vào “lưới” an sinh xã hội. Mô hình này do BHXH tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh triển khai từ tháng 9/2022 và được nhân rộng ở tất cả các huyện, thành phố. Tại mỗi xã, thành lập ít nhất 01 tổ hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi heo đất, với số lượng 10 người/01 tổ. Mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất hằng tháng là 297.000 đồng; hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Đến kỳ sinh hoạt của Chi hội phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức lựa chọn đăng ký. Nếu mức đóng cao thì quyền lợi thụ hưởng chính sách BHXH của người dân sau này cũng tăng cao. Bằng cách thức đơn giản, tiện lợi, hiệu quả, mô hình nuôi heo đất không chỉ giúp các hội viên có ý thức tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện mà còn yên tâm, tự tin cho tương lai về một tuổi già an nhàn nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt quá trình hưởng lương hưu) để chăm sóc sức khỏe, không phải trông cậy vào con cháu.

Theo chia sẻ của một số chị em, trước đây do chưa hiểu nên còn nhầm lẫn giữa chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Từ khi tham gia mô hình này, các chị em đã nắm rõ được lợi ích, giá trị ưu việt không vì mục tiêu lợi nhuận cũng như mức đóng, phương thức đóng linh hoạt… của BHXH tự nguyện, từ đó còn chủ động đi tuyên truyền lại và vận động người thân, hàng xóm của mình tham gia.

Theo đó mà nhiều chị em đã tin tưởng, hăng hái tham gia BHXH tự nguyện không chỉ cho mình mà còn cho cả các thành viên khác trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Ro, Hội LHPN xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cho biết: “Làm khi lành để dành khi đau nên giờ mình đang khoẻ mạnh thì cố gắng tiết kiệm. Mỗi ngày dành ra chục ngàn “nuôi heo đất” để đóng BHXH, cũng không phải khó khăn gì. Bù lại, sau này già yếu, mình có lương hưu và có thẻ BHYT của Nhà nước lo cho khám chữa bệnh để không phải phiền hà con cháu”.

Bằng sự lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” tại Bến Tre đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt và thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn. Đến nay, dù ra mắt chưa tròn một năm, song mô hình đã được nhân rộng tại 403 tổ phụ nữ với gần 4.300 người, trong đó có 1.679 thành viên tham gia BHXH tự nguyện, vượt xa mục tiêu ban đầu lãnh đạo cơ quan BHXH và Hội LHPN tỉnh đề ra.

Câu lạc bộ ‘vườn rau an sinh’

Trong khi đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, các mô hình phát triển BHXH tự nguyện như Chương trình Tiết kiệm an sinh, Câu lạc bộ (CLB) Vườn rau an sinh… đang tạo sự phấn khởi và động lực tham gia BHXH cho nhiều người dân trên địa bàn. Trong đó, Chương trình Tiết kiệm an sinh của xã Thạch Xuân (Thạch Hà) ban đầu chỉ từ 28 hội viên tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã là 230 người tham gia.

Là một trong những người “truyền lửa” đưa chính sách BHXH tới gần hơn với các hội viên phụ nữ, hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) thấy rõ được những chuyển biến tích cực mà chương trình này đem lại. Không chỉ ở số lượng người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng mà nhận thức của người dân trong xã về chính sách cũng đã được nâng cao rõ rệt. “Bà con rất yên tâm, tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT vì “đây là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”. Trong đó, nhiều người sinh năm 1963, 1960 rất hào hứng tham gia BHXH tự nguyện với niềm tin tưởng về một tương lai dù già yếu nhưng luôn được “tự mình làm chủ” về kinh tế...”, bà Thủy chia sẻ.

Chung mục tiêu trao cơ hội để người nông dân cũng có lương hưu, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh được Hội LHPN xã Tượng Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) khởi xướng thành lập từ tháng 10/2020. Bà Bùi Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tượng Sơn cho biết, trước đây, nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp trong xã có thu nhập ổn định, nhưng do chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện nên không phải ai cũng sẵn lòng tham gia.

leftcenterrightdel
 Các mô hình phát triển BHXH tự nguyện như Chương trình Tiết kiệm an sinh, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh… đang tạo sự phấn khởi và động lực tham gia BHXH cho nhiều người dân.

Xuất phát từ thực tế này, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh đã ra đời, không chỉ tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT mà còn hướng dẫn các thành viên thực hành tiết kiệm, cách quản lý kinh tế gia đình hiệu quả, từ đó, trích một phần kinh phí thu nhập từ vườn rau để tham gia BHXH tự nguyện.... Hiện nay, câu lạc bộ đã có 100 thành viên là người làm vườn đang dành một phần thu nhập từ việc bán rau để tham gia BHXH tự nguyện. Không chỉ gia nhập vào “lưới” an sinh BHXH, mỗi hội viên còn là một tuyên truyền viên tích cực vận động người thân và những người xung quanh tham gia BHXH, BHYT...

Để không ai lọt lưới an sinh

Đặc biệt, Bến Tre, Hà Tĩnh chỉ là hai trong số nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai và vận hành hiệu quả các mô hình, cách làm sáng tạo nhằm mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT tới người dân. Các mô hình khác như “Tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua thẻ BHYT” (tại Thanh Hóa); “Vận động phụ nữ tiết kiệm mua BHYT - vì sức khỏe gia đình” (tại Hòa Bình); “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ BHYT - vì sức khỏe phụ nữ” (tại Bình Phước)… cũng giúp cho không ít người lao động đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để tích lũy cho tương lai và chăm sóc sức khỏe.

Có thể nói, việc phát huy vai trò của các hội, đoàn thể trong phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình rất quan trọng. Thông qua các hội, đoàn thể, chính sách BHXH, BHYT tiếp tục được lan tỏa, ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực, tạo sự yên tâm, tin tưởng tích cực với người tham gia. Để làm được điều đó, rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ chính quyền địa phương, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để không ai “lọt lưới” an sinh của Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, để đáp ứng mong muốn của nhiều lao động thuộc khu vực phi chính thức, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang triển khai theo hướng quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con có cơ hội được hưởng trợ cấp thai sản, nguồn kinh phí chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo và người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.

Đây được cho là giải pháp để đa dạng, linh hoạt các chế độ BHXH, tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo Hân