Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đến dự, phát biểu và đồng chủ trì Hội thảo.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự, phát biểu và đồng chủ trì Hội thảo. |
|
|
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đến dự, phát biểu và đồng chủ trì Hội thảo. |
Cùng dự Hội thảo về phía VKSND tối cao có TS Lại Viết Quang – Vụ trưởng Vụ 7; PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh – Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao; TS. Nguyễn Văn Thắng – Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật cùng lãnh đạo các phòng, ban chức năng của Báo BVPL.
Về phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao động; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng nhiều chuyên gia và các nhà khoa học...
Việc trốn đóng BHXH tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Trong 37 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song chính sách an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên khẳng định quyền an sinh xã hội cơ bản cho người dân. Điều 34 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”.
Bộ Luật Lao động (năm 2019) quy định rõ người sử dụng lao động có nghĩa vụ: Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp)…
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao trực tiếp giải đáp các câu hỏi tại Hội thảo. |
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng nhấn mạnh, Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi tham gia vào quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động, theo các trường hợp luật định, phải cùng nhau có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trong trường hợp các bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì sẽ bị áp dụng các trách nhiệm pháp lý trong đó có trách nhiệm hình sự.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển, nhiều chính sách an sinh xã hội, trong đó có Bảo hiểm xã hội đang từng bước được hoàn thiện về cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật. Thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến nhiều trăm tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhân dân.
Đặc biệt việc trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã tác động, ảnh hưởng đến số lượng lớn người lao động, gây thất thu đối với quỹ bảo hiểm, khiến an sinh xã hội không được bảo đảm, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chính sách về bảo hiểm xã hội, tiếp tục cảnh báo, nhận diện, đánh giá chính xác, đầy đủ về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là một vấn đề rất quan trọng để từ đó có những kiến nghị, đề xuất khoa học nhằm khắc phục tình trạng này.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
“Trên cơ sở được sự nhất trí của Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lãnh đạo VKSND tối cao, Báo Lao động và Báo Bảo vệ pháp luật phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo. Chúng tôi tin tưởng rằng Hội thảo sẽ mang lại nhiều nội dung trao đổi, thảo luận thiết thực, bổ ích từ các đại biểu tham dự” - đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh.
Ngay sau phát biểu khai mạc, các chuyên gia, các nhà khoa học đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh nội dung hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm còn gặp nhiều khó khăn
Tại Hội thảo, đồng chí Lại Viết Quang - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - VKSND tối cao đã trình bày tham luận “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị nợ BHXH bắt buộc”.
Đồng chí Lại Viết Quang cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định có 2 đối tượng phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là người sử dụng lao động và người lao động.
|
|
Đồng chí Lại Viết Quang - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - VKSND tối cao trình bày tham luận tại Hội thảo. |
Tuy nhiên, vì nghĩa vụ của người sử dụng lao động là lập hồ sơ gửi đến cơ quan bảo hiểm, thực hiện việc đóng bảo hiểm theo mức quy định đối với người sử dụng lao động, đồng thời thay mặt người lao động đóng phần của họ bằng cách trích từ tiền lương của người lao động nên Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dường như hướng tới chủ thể chính là người sử dụng lao động. TS. Lại Viết Quang cũng chỉ ra nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều này.
Về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, TS Quang nêu rõ: "Theo quy định của khoản 2, 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người quản lý doanh nghiệp, ngừơi quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương; cán bộ, công chức, viên chức… thì sẽ phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Với quy định này có thể hiểu người sử dụng lao động có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên thì sẽ bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động".
"Như vậy, có thể thấy rằng, về cơ bản, khi người sử dụng lao động và người lao động giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên thì sẽ phải có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Nếu các bên không thực hiện nghĩa vụ này thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự" – TS. Lại Viết Quang khẳng định.
Tuy nhiên, theo TS Quang phân tích: Theo quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm nhưng khi được phát hiện, yêu cầu hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính thì doanh nghiệp thực hiện việc khắc phục nên cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Mặc dù đã có các quy định của pháp luật nhưng trên thực tế, việc khởi tố, truy tố, xét xử những vụ án theo Điều luật này (Điều 216 BLHS) còn gặp nhiều khó khăn do không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm” – TS. Lại Viết Quang chia sẻ.
Xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là sự đòi hỏi khách quan, bức thiết
Cũng tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao trình bày tham luận về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm và kiến nghị, đề xuất.
TS. Nguyễn Đức Hạnh cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do hai chủ thể có nghĩa vụ đóng là người sử dụng lao động và người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng tổng số 18%, người lao động đóng tổng số 8%.
|
|
PGS,TS. Nguyễn Đức Hạnh - Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao trình bày tham luận tại Hội thảo. |
PGS,TS. Đức Hạnh chia sẻ: Vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ, mục đích khác nên thời gian vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm để có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc với nhiều thủ đoạn.
Việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…
“Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là sự đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân” – PGS,TS. Nguyễn Đức Hạnh nhấn mạnh.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Cùng với đó, TS. Nguyễn Đức Hạnh cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như xử lý, khắc phục tình trạng này như: Các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương không ngừng đề cao trách nhiệm quản lý hoạt động sử dụng lao động; Tuyên truyền giúp người lao động hiểu biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đóng BHXH bắt buộc; Tiếp tục tăng cường sự tham gia tuyên truyền, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người lao động; Hoàn thiện quy định pháp luật, đặc biệt là các chế định miễn trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của người lao động trong trường hợp người lao động đồng thuận với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc…
Cũng tại Hội thảo, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, Luật sư đã giải đáp nhiều câu hỏi quan tâm của người lao động cũng như các nhà báo tham dự Hội thảo...
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Báo BVPL và Báo Lao động
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo của Tổng Biên tập Báo Lao Động và Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật. Hội thảo được tổ chức trong thời điểm ý nghĩa khi sắp đến ngày truyền thống của 2 ngành và Chính phủ đang hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội.
|
|
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo. |
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Không chỉ vậy, tình trạng này còn gây ra sự bất công, không công bằng giữa các doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho biết, Hội thảo đã gợi ý nhiều giải pháp để hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có giải pháp về chính sách pháp luật. Có ý kiến đề xuất mở rộng chủ thể khởi kiện là cơ quan BHXH. Cùng với đó, tiếp tục trao quyền khởi kiện cho công đoàn nhưng không cần phải quy định về uỷ quyền của người lao động đối với công đoàn, vì công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.
Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan chức năng đã thể hiện trong dự thảo luật bảo hiểm xã hội, đó là ngừng sử dụng hoá đơn; hoãn xuất cảnh chủ doanh nghiệp trây ì nợ BHXH…
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu kiến nghị thiết chế hành lang pháp lý để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm xã hội hiện tại; đề nghị VKSND tối cao quan tâm, có tiếng nói trong quá trình xây dựng pháp luật, kể cả ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện.
“Không mong muốn hình sự hoá hành vi này, nhưng cố tình trây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu bày tỏ.
|
|
Đại biểu đặt câu hỏi tại Hội thảo. |
|
|
Đại diện các đơn vị giải đáp các câu hỏi của người lao động. |
|
|
Đại diện các đơn vị giải đáp các câu hỏi của người lao động. |
|
|
Luật sư tham gia giải đáp các câu hỏi tại Hội thảo. |
|
|
Đại diện các đơn vị giải đáp các câu hỏi của người lao động. |