leftcenterrightdel

Gọi ngay 111 nếu bạn và những đứa trẻ bị bạo hành 

Sau 12 năm triển khai và thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Trong tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng đến sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tập trung làm rõ những vấn đề sau:

Thứ nhất, Luật sửa đổi về các biện pháp bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó, giảm nguyên nhân trực tiếp gây Bạo lực gia đình bằng việc đưa người nghiện rượu hay gây bạo lực gia đình đi cai nghiện bắt buộc; đơn giản hóa thủ tục hành chính với nạn nhân của bạo lực gia đình; đưa người gây bạo lực ra khỏi nhà trong trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc và người gây bạo lực có thể phải qua khóa học bắt buộc về phòng, chống bạo lực gia đình.

Thứ hai, Luật sửa đổi sẽ quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đứng đầu chính quyền cơ sở và tăng cường công tác phối hợp liên ngành.

Thứ 3, Luật sửa đổi sẽ khuyến khích xã hỗi hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình trong đó bổ sung quy định về các loại hình tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

Đáng chú ý, trong chính sách thứ nhất, về các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và áp dụng các biện pháp cứng rắn trong xử lý với người gây bạo lực gia đình. Luật sửa đổi tập trung vào việc giảm nguyên nhân trực tiếp gây BLGĐ bằng việc đưa người nghiện rượu hay gây BLGĐ đi cai nghiện bắt buộc; sửa đổi, bổ sung các quy định về cấm tiếp xúc theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận; sửa đổi các biện pháp hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tái hòa nhập gia đình, cộng đồng hiệu quả, thực chất, kịp thời; đồng thời, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng quy định rõ trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình đối với hậu quả do mình gây ra; hoàn thiện về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đặc biệt, Luật bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình. Theo đó, số điện thoại 111 hiện nay được đề xuất thêm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình hoặc tổ chức, cá nhân khi phát hiện bạo lực gia đình có thể báo tin qua đường dây này để được trợ giúp trong tình huống khẩn cấp./.


Ngọc Anh