Báo cáo tại hội nghị dẫn kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cho biết, đã xác định 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, và đặc biệt, có tới 54% phụ nữ từng phải chịu bạo hành tinh thần. Các nạn nhân phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất, thậm chí chết người, nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản, khiến nạn nhân mắc bệnh trầm cảm, thậm chí có ý muốn tự tử. Để lại nhiều di chứng suốt đời về tinh thần. Điều đáng nói là tuyệt đại đa số phụ nữ bị bạo lực đều im lặng, không tố cáo đối tượng gây bạo lực hoặc tìm sự trợ giúp từ các tổ chức hay chính quyền. Số liệu Điều tra quốc gia mới nhất về bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2020 cho thấy, có tới 90,4% phụ nữ từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm đến sự hỗ trợ từ dịch vụ công hoặc chính quyền. Người giúp đỡ phụ nữ bị BLGĐ chủ yếu là các thành viên gia đình (43,8%) tiếp đến là hàng xóm và bạn bè.
leftcenterrightdel
Người giúp đỡ phụ nữ bị BLGĐ chủ yếu là các thành viên gia đình. Ảnh minh hoạ 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cần sớm được sửa đổi, bỏ các quy định về hành chính như yêu cầu viết đơn. Thay vào đó, giao trách nhiệm cũng như quyền chủ động áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho công an cấp xã.

Ngày 06/11/2020 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Một trong bảy bất cập mà Bộ này nêu trong hồ sơ trình Chính phủ có lý do, nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải cách  thức  trình bày vụ việc,  thậm chí còn bị người gây bạo  lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo hoặc còn tâm lý  che dấu, e ngại việc trình bày các vụ việc của nội bộ gia đình dẫn tới không thể viết đơn,  tố cáo các hành vi bạo lực. Tại Khoản a Điều 20 Luật PCBLGĐ quy định để áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi xảy ra bạo lực gia đình thì phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, người giám hộ, người đại diện hợp pháp…, quy định này còn nặng tính hành chính, không phù hợp với thực tiễn; Mặt khác, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường  là người phải ra khỏi nhà  trong khi họ  là những người yếu  thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).


Trang Hà