Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc  về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Đà Nẵng”

Theo thống kê, từ năm 2015 – 2019, trên cả nước phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục.

Kết quả từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đã xác định 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần. Bạo hành khiến nạn nhân phải chịu những hậu quả nghiêm trọng như chấn thương về thể chất lẫn tổn thương về tinh thần, thậm chí có ý muốn tự tử…

Đà Nẵng được đánh giá là thành phố đáng sống khi có nhiều chương trình bảo đảm an toàn cho người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng. Chương trình “Thành phố 4 an” , “5 không”, “ 3 có” được triển khai thực hiện mang lại những hiện quả thiết thực, nhận thức thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, góp phần xây dựng thành phố an bình, thân thiện.

Cùng với đó, Hội LHPN TP Đà Nẵng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã triển khai thực hiện dự án “Huy động cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Đà Nẵng” giai đoạn 2017-2020 cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy các chính sách và chương trình của thành phố Đà Nẵng nhằm xóa bỏ bạo lực trong cộng đồng.

Dự án được triển khai với bốn nhóm hoạt động chính: Nhạy cảm hoá truyền thông và vận động chính sách, nâng cao năng lực cho cộng đồng trong phòng ngừa bạo lực, xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức các hoạt động địa phương nhằm huy động người dân cùng tham gia ngừa ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

leftcenterrightdel
 Nhiều mô hình phòng bạo lực giới được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết dự án “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại TP Đà Nẵng”

Sau thời gian triển khai dự án đã thu hút hơn 8.000 người dân (trong đó 40% là nam giới) tại 11 xã, phường thuộc các quận trên địa bàn tham gia tạo nên sự thay đổi quan điểm, nhận thức giới trên cơ sở giới của cộng đồng, nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hội LHPN TP cũng đang duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng sinh hoạt cho 16 câu lạc bộ nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực tại cơ sở với 550 thành viên. Đây là điểm sáng của Thành Hội trong nỗ lực huy động cộng đồng, nhất là lực lượng nam giới trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mô hình nam giới tiên phong của dự án cũng đã được nhân rộng tại thành phố Hồ Chí Minh và trở thành mô hình điểm đươc chia sẻ tại nhiều hội nghị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kết quả rõ nhất là việc Hội Phụ nữ Đà Nẵng tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 22/4/2020 về "Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em". Đây là cam kết của thành phố và là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội LHPN thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến xây dựng thành phố an toàn - không bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và nhân rộng dự án ra toàn thành phố..

Cùng với đó, TP Đà Nẵng cũng đã có nhiều mô hình nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là nam giới trong vấn đề bạo lực, triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng cho học sinh tại các trường, triển khai các thiết chế giao thông bảo đảm sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp với các ngành trong giải quyết các vụ việc liên quan… Trong mười năm, đã có gần 2000 vụ việc về bạo lực gia đình được can thiệp, xử lý.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề thiếu an toàn với người dân vẫn còn tồn tại, vẫn còn những vụ việc bạo lực, xâm hại gây bức xúc trong dư luận thời gian qua như vụ cha dượng nghi hiếp dâm 2 con gái riêng của vợ tại quận Liên Chiểu, vụ cha giết con ném xác xuống sông Hàn hay vụ nguyên cán bộ Công an tạt axit vợ chưa cưới tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng… cho thấy thực tế vấn đề bạo lực giới vẫn hiện hữu trên địa bàn thành phố, đòi hỏi các cấp, ngành và toàn bộ người dân cần hành động  để ngăn chặn, ứng phó với bạo lực trong cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Hội Liên hiệp phụ nữ Đà Nẵng cam kết sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình dự án trong thời gian đến  để huy động không chỉ nam giới mà còn thu hút tất cả người dân trong cộng động cùng tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn-không bạo lực với phụ nữ và trẻ em.”

Bà Elisa Feznandes Saenz -Trưởng đại diện UN Women đánh giá cao kết quả mà dự án đã mang lại cho thành phố Đà Nẵng và trở thành mô hình điểm với những bằng chứng cụ thể cho các hoạt động vận động chính sách của UN Women về phòng ngừa bao lực giới tại Việt Nam.

“Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không phải là vấn đề riêng tư, cá nhân hay của riêng phụ nữ. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế và sự phát triển bền vững của cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư nguồn lực cho các hoạt động này tại tất cả các cấp,” bà Elisa Feznandes Saenz nói.

Nhằm hướng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện sáng ánh đèn màu cam tại cầu sông Hàn và cầu Rồng với chủ đề “Sắc cam – Thắp sáng và hành động”. Hoạt động thắp sáng sẽ diễn ra từ nay đến ngày 15/12.

LT