Trả lời câu hỏi của bạn, Luật sư Lâm Sơn - Giám đốc Công ty Luật Thành Đô có ý kiến trao đổi như sau:
Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động, khoản 2 Điều 180 Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định: “Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật”. Có thể thấy, pháp luật luôn khuyến khích áp dụng thủ tục hòa giải để giải quyết những tranh chấp lao động nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình giải quyết trang chấp, giảm gánh nặng cho Tòa án và vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với tranh chấp lao động cá nhân, Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, …”. Đồng thời, Điều 32 BLTTDS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động năm 2019 cũng quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, …” thì được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, cả hai điều luật nêu trên đều loại trừ một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải như sau:
“a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.”
Như vậy, đối với tranh chấp lao động cá nhân, pháp luật quy định các trường hợp không bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải được quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 và điểm a đến điểm e khoản 1 Điều 32 Bộ luật TTDS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 219 Bộ luật lao động năm 2019. Những tranh chấp lao động cá nhân không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải theo quy định pháp luật trước khi yêu cầu Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.