Về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng. 

Theo báo BVPL phản ánh: Dự án “Đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc hướng thịt” (gọi tắt là Dự án Sao Đỏ) do Công ty TNHH Liên hiệp công - nông nghiệp bền vững Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ) làm Chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư gần 224 tỉ đồng.

Tại kết luận thanh tra số 6451 ngày 3/8/2018 của UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ rõ nhiều sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án như việc ngân sách tỉnh cho UBND huyện M’Drắk tạm ứng hơn 50 tỉ đồng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án Sao Đỏ là không đúng quy định; Nhà đầu tư không lập thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với phần đất xây dựng các công trình theo quy định của pháp luật; Tất cả các hạng mục công trình xây dựng đều không có hồ sơ thiết kế dự toán, chưa xác định được tổng mức đầu tư và không có giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền ...

Dự án có nhiều tồn tại vướng mắc đã được Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII, kết luận từ năm 2016, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi khoản tiền hơn 50 tỉ đồng mà tỉnh đã tạm ứng cho UBND huyện M’Drắk để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng tại Dự án Sao Đỏ không đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thu hồi được số tiền này.

Tại báo cáo số 2517/STC-TCĐT ngày 31/10/2018, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nhà đầu tư đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh về việc kết luận thanh tra số 6451. Trong đó, có khiếu nại nội dung việc Nhà đầu tư hoàn trả cho ngân sách tỉnh hơn 50 tỉ đồng.

Đối với số tiền đã tạm ứng sai quy định, trong trường hợp có sai phạm xảy ra đủ yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, đối với từng sai phạm của Chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Trong đó, theo Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014 quy định:

Điều 107. Điều kiện khởi công xây dựng công trình

1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:

a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;

b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;

c) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt;

d) Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật;

đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng;

e) Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.

…”

Do đó, theo kết luận thanh tra thì chủ đầu tư dự án Sao đổ đã có những sai phạm về điều kiện khởi công xây dựng công trình như không có hồ sơ thiết kế dự toán, chưa xác định được tổng mức đầu tư và không có giấy phép xây dựng của cơ quan thẩm quyền. Hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với mức phạt tiền lên đến 20 triệu đồng. Cụ thể:

“Điều 12. Vi phạm quy định về khởi công xây dựng công trình

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không gửi văn bản thông báo ngày khởi công cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình và cơ quan cấp giấy phép xây dựng theo quy định;

b) Không gửi văn bản phê duyệt biện pháp tổ chức thi công bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng và công trình lân cận đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xây dựng công trình trước khi khởi công xây dựng công trình;

c) Không phê duyệt biện pháp tổ chức thi công theo quy định.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công. Trường hợp khởi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng thì xử phạt theo quy định tại Khoản 6 Điều 13 Nghị định này.

3. Vi phạm quy định về lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành công trình xây dựng được xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.”

 

Hương My