Cụ thể các nội dung triển khai thi hành
Theo VKSND tối cao, mục đích ban hành Kế hoạch số 122/KH-VKSTC nhằm phổ biến, quán triệt nội dung của Luật, tập trung quán triệt sâu những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND tới Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác của VKSND để nhận thức và vận dụng đúng đắn trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Viện kiểm sát. Đồng thời, kịp thời triển khai các nội dung thuộc trách nhiệm của VKSND ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.
Việc triển khai thi hành Luật phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả, tiết kiệm; có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Việc triển khai thi hành Luật phải xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp.
Bên cạnh đó, Kế hoạch đã cụ thể 8 nội dung triển khai thi hành Luật. Thứ nhất: Tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung của Luật: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 8, Vụ 9, Vụ 10, Vụ 14, Cục 1, Cục 2, Cục 3 và các đơn vị khác thuộc VKSND tối cao trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật, trong đó, tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND cho các Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác trong đơn vị mình.
Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật cho các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Thời gian thực hiện ngay sau khi ban hành Kế hoạch này.
Các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong Luật và việc triển khai thực hiện Luật của ngành Kiểm sát nhân dân. Thời gian thực hiện: trọng tâm trong Quý III, Quý IV/2020 và duy trì hợp lý, hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Thứ hai: Thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao: Vụ 15 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các tài liệu để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Cụ thể: Xây dựng Tờ trình và Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.
Xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao về việc thành lập và chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này.
Phòng giám định kỹ thuật hình sự chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự, trình lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện: ngay sau khi thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự.
Xây dựng, phát triển đội ngũ giám định viên kỹ thuật hình sự
Ở nội dung thứ ba về xây dựng, phát triển đội ngũ giám định viên kỹ thuật hình sự, theo Kế hoạch: Vụ 15 chủ trì, phối hợp với Cục 1, Phòng giám định kỹ thuật hình sự và các đơn vị có liên quan xác định biên chế; tuyển dụng, bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ; đề nghị bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc Phòng giám định kỹ thuật hình sự; triển khai đào tạo, bồi dưỡng; đăng tải và cập nhật danh sách giám định viên kỹ thuật hình sự trên Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao, gửi danh sách giám định viên kỹ thuật hình sự cho Bộ Tư pháp. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này và những năm tiếp theo.
|
|
Giám định viên thực hiện giám định tư pháp . (Ảnh minh họa) |
Thứ tư: Ban hành chỉ tiêu thống kê và thực hiện thống kê về trưng cầu giám định, yêu cầu trưng cầu giám định, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự gắn với việc thực hiện thống kê hình sự: Cục 2 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự gắn với việc thực hiện thống kê hình sự. Thời gian ban hành chỉ tiêu thống kê: tháng 12 năm 2020. Thời gian bắt đầu thực hiện chỉ tiêu thống kê: từ tháng 1 năm 2021.
Vụ 14 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự gắn với việc thực hiện thống kê hình sự. Thời gian thực hiện: định kỳ 6 tháng và hằng năm.
Thứ năm: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về giám định tư pháp cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, công chức khác thuộc VKSND: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ 15 và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Kế hoạch tập huấn, mở các lớp bồi dưỡng về giám định tư pháp cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, công chức khác thuộc VKSND. Thời gian thực hiện: hằng năm.
Thứ sáu: Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp; đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp; tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp: Thanh tra VKSND tối cao, Vụ 12 phối hợp với Phòng giám định kỹ thuật hình sự và các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự. Thời gian thực hiện: hằng năm.
Phòng giám định kỹ thuật hình sự, Vụ 16 và các đơn vị có liên quan phối hợp tiến hành đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự; thực hiện việc khen thưởng giám định viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp. Thời gian thực hiện: hằng năm.
Phòng giám định kỹ thuật hình sự và các đơn vị có liên quan phối hợp tiến hành tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Thời gian thực hiện trước ngày 31/12 hằng năm.
Thứ bảy: Rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp: Vụ 14 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giám định tư pháp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm thống nhất, phù hợp với các quy định của Luật. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này.
|
|
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. (Ảnh minh họa - Quochoi.vn) |
Thứ tám: Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động triển khai thi hành Luật: Kinh phí triển khai thi hành Luật được bảo đảm trong kinh phí hoạt động thường xuyên của Viện kiểm sát các cấp và các nguồn kinh phí hỗ trợ hợp pháp khác (nếu có), cụ thể: Cục 3 chủ trì, phối hợp với VKSND các cấp lập dự toán kinh phí bảo đảm cho các hoạt động triển khai thi hành Luật, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền xét duyệt. Vụ 13 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tìm kiếm, sắp xếp nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế để phục vụ cho các hoạt động triển khai thi hành Luật. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này và năm 2021.
Đối với việc bảo đảm kinh phí cho việc thành lập và hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự: Cục 3 chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập dự toán kinh phí bảo đảm kinh phí cho việc thành lập và hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này và những năm tiếp theo.
Vụ 15 chủ trì, phối hợp với Vụ 14 và các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án về bảo đảm việc thành lập và hoạt động của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Thời gian thực hiện: ngay sau khi ban hành Kế hoạch này.
Đối với việc bảo đảm kinh phí chi trả chi phí giám định: Cục 3 chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị có liên quan lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện: hằng năm.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch của VKSND tối cao nêu rõ: Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại phần II Kế hoạch này. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự. Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm quán triệt, tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Giao Văn phòng VKSND tối cao giúp Viện trưởng VKSND tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp báo cáo VKSND tối cao (qua Văn phòng) để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời. |