VKSND tối cao vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS năm 2015 để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trong dự thảo Tờ trình gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, VKSND tối cao cho biết, BLTTHS năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.      

Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 để phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Nghị quyết số 72/2018/QH14). Triển khai thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14, Chính phủ ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/1/2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (Quyết định số 121/QĐ-TTg).

Theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 và Quyết định số 121/QĐ-TTg, VKSND tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát BLTTHS để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

leftcenterrightdel
 Họp liên ngành triển khai Thông tư liên tịch Quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. (Ảnh minh hoạ)

Thực hiện trách nhiệm nêu trên, VKSND tối cao đã tiến hành rà soát BLTTHS năm 2015. Kết quả rà soát cho thấy, đối chiếu với mục 4 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết số 72/2018/QH14, để thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã phê chuẩn, BLTTHS năm 2015 cần được sửa đổi 2 điều.

Cụ thể, thứ nhất, sửa đổi khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Thứ hai, sửa đổi khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Do vậy, để thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 và Quyết định số 121/QĐ-TTg, VKSND tối cao cho rằng việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS là cần thiết.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, dự thảo Tờ trình nêu rõ, theo Nghị quyết số 72/2018/QH14, Quyết định số 121/QĐ-TTg, phạm vi sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 lần này xác định: Chỉ sửa đổi những quy định có liên quan trong BLTTHS để bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam; chưa đặt ra việc sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong áp dụng các quy định của Bộ luật tại thời điểm này vì cần phải có quá trình tổng kết và có sự thống nhất, đồng bộ với các đạo luật khác có liên quan.

Ngoài ra, theo VKSND tối cao, trên cơ sở phạm vi đề nghị sửa đổi, bổ sung, để bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP (theo Nghị quyết số 72/2018/QH14, thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS cần có hiệu lực là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/1/2022), VKSND tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 theo hướng tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS.

Đồng thời, đề nghị cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Cũng theo VKSND tối cao, quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS, VKSND tối cao đã lấy ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của VKSND tối cao để lấy ý kiến rộng rãi cùng với việc lấy ý kiến góp ý, phản biện của tổ chức, cá nhân có liên quan về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. 
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, VKSND tối cao đã tổng hợp, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách.

P.V