Về vấn đề bạn đọc Nguyễn Thị Oanh quan tâm, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật Dragon, Đoàn luật sư TP Hà Nội có quan điểm như sau:

leftcenterrightdel
 Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Công ty Luật Dragon, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Trong vài năm trở lại đây, tình trạng ngộ độc rượu ngày càng trở nên trầm trọng. Theo thông tin từ các trung tâm chống độc và các bệnh viện điều trị tâm thần, rượu giả, rượu kém chất lượng đang tạo ra những cú sốc quá lớn đối với sức khỏe thể chất, trí tuệ và tâm thần của người uống.

Đã có những người chỉ uống rượu nấu thủ công, tức là về lý thuyết chỉ có etanol. Nhưng sau khi bị ngộ độc, kết quả xét nghiệm cho thấy có cả methanol trong máu. Điều đó chứng tỏ các loại rượu tự nấu (hay được gọi là rượu cuốc lủi) đã bị pha chế thêm cồn công nghiệp để tăng lợi nhuận cho người bán, nhưng hậu quả với người uống thì thật khó lường.

Theo đó, methanol là độc chất, không được phép có mặt trong tất cả các loại rượu uống. Methanol từ lâu đã được chứng minh là có thể gây tổn thương thần kinh, não, gây mù mắt, tổn thương thận, tuần hoàn máu, gây ngộ độc với tốc độ nhanh và mức độ rất nặng. Nguy hiểm nhất là rượu gây nhiễm độc cho não, khiến khả năng nhận thức, ghi nhớ của não bị giảm sút nhanh chóng. Uống nhiều rượu còn dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan, suy tim, suy thận...thậm chí tử vong.

Qua các mẫu rượu thu được trong những vụ ngộ độc gây chết người đều cho thấy hàm lượng methanol vượt quá rất nhiều so với quy định.

Theo quy định tại khoản 20, Điều 2, Luật An toàn thực phẩm quy đinh rượu là một loại thực phẩm. Hành vi sản xuất, kinh doanh rượu giả là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật về kinh doanh thương mại.

Xử lí hành chính

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với các cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 70 triệu đồng, phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.

Người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng giả; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

leftcenterrightdel
 Các bệnh nhân ngộ độc rượu được theo dõi điều trị tích cực.

Xử lí hình sự

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi sản xuất rượu giả có thể bị xử lý hình sự theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung) năm 2017 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm": "Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm".  Tùy vào tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi mà mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Minh Long, căn cứ theo các Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 và Nghị định 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 của Chính phủ, các hộ sản xuất, kinh doanh rượu thủ công phải đáp ứng những điều kiện như: có giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh; sản xuất phải có đăng ký chất lượng sản phẩm; giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; các sản phẩm rượu trong nước và nhập khẩu phải có tem, nhãn trên bao bì; các hộ kinh doanh rượu phải có hợp đồng buôn bán, tiêu thụ rượu...

Đặc biệt kể từ ngày 1/11/2017, rượu sản xuất thủ công còn phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Tuy nhiên, đến nay hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công vẫn còn nhiều tồn tại bất cập trong cả quản lý và thực thi.

Phan Hải (ghi)