Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật về vấn đề này, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích và bày tỏ quan điểm: 

"Điều 219 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.: “. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm...”

Theo đó, việc khởi tố các cán bộ có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, khi xem xét toàn diện, quy định trên lại chính là “con dao hai lưỡi”, bên cạnh việc tăng cường quản lý, răn đe các đối tượng có ý đồ xấu, lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân, nó lại chính là thứ gây kìm hãm các cán bộ năng động, sáng tạo, sẵn sàng đóng góp vì lợi ích chung – “dám nghĩ nhưng không dám làm”.

leftcenterrightdel
Luật sư Trần Đức Thắng.

So với quy định cũ, tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 về: “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Điều 219 đã mở rộng về chủ thể, hành vi và có tính chất nghiêm khắc hơn. Trong khi Điều 165 của Bộ luật cũ xác định hành vi phạm tội phải là cố ý làm trái quy định và gây thiệt hại trên 100 triệu hoặc dưới 100 triệu, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì tại Điều 219 của BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã bao gồm rộng hơn về hành vi, cụ thể: Vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí trên 100 triệu hoặc dưới 100 triệu nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Như vậy, đối với quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, chỉ cần xuất hiện vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, không xem xét đến yếu tố lỗi cố ý hay vô ý mà gây ra thiệt hại, lãng phí thì đều sẽ bị coi là phạm tội. Mặt khác, chỉ cần đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì những lần vi phạm sau đó, chỉ cần có thất thoát, có lãng phí tài sản nhà nước cũng có thể bị coi là phạm tội.

Điều này vô tình khiến cho những cán bộ giỏi, có năng lực nhưng đã từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, không dám nhận trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vì lo ngại trách nhiệm hình sự khi mà họ chỉ cần sơ ý, chủ quan trong quản lý, gây ra những thất thoát, lãng phí dù rất nhỏ nhưng đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ so sánh trên, có thể thấy, quy định tại Điều 219 BLHS là một chế tài tương đối nghiêm khắc. Ngoài việc nhắc nhở các cán bộ phải cẩn trọng, có trách nhiệm cao trong khi thực hiện nhiệm vụ, quy định trên cũng gây cho họ tâm lý lo lắng, hoang mang: Liệu thực hiện như này đã đúng quy định chưa, có khả năng gây thiệt hại không và nếu có sẽ phải chịu mức án như thế nào?. Điều đó gián tiếp khiến cho các cán bộ không thể toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao, không dám thể hiện bản lĩnh, không sẵn sàng tìm ra các giải pháp đột phá, sáng tạo; làm xuất hiện tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, không thể làm tròn nhiệm vụ được giao.

Thiết nghĩ, ngoài những tình tiết định tội đã được quy định nêu trên thì việc bổ sung thêm những tình tiết khác giống như “một điều kiện đủ” để có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ giúp cho những cán bộ có khát vọng, yên tâm cống hiến, đưa ra những giải pháp đột phá, sáng tạọ, giúp phát triển kinh tế - xã hội.

Minh Hiếu