Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có trao đổi với luật sư Lê Anh Ngọc - Giám đốc Công ty Luật Nam Bình, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
|
Luật sư Lê Anh Ngọc - Giám đốc Công ty luật Nam Bình, Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Theo khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016, thuốc giả là thuốc được sản xuất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không có dược chất, dược liệu;
- Có dược chất không đúng với dược chất ghi trên nhãn hoặc theo tiêu chuẩn đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu;
- Có dược chất, dược liệu nhưng không đúng hàm lượng, nồng độ hoặc khối lượng đã đăng ký lưu hành hoặc ghi trong giấy phép nhập khẩu, trừ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại Khoản 32 Điều 2 Luật Dược 2016 trong quá trình bảo quản, lưu thông phân phối;
- Được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Theo Luật sư Lê Anh Ngọc tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử phạt hành chính
- Buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 50 triệu đồng theo giá trị tương ứng của hàng thật (Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP)
- Sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng - 60 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị tương ứng của hàng thật (Điều 12 Nghị định 185/2013/NĐ-CP)
- Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt gấp đôi mức phạt trên tức là lên tới 120 triệu đồng.
- Người thực hiện hành vi này còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 6 - 12 hoặc 12 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Đồng thời buộc tiêu hủy tang vật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
|
|
Đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị COVID-19 giả với quy mô lớn vừa bị Công an TP HCM triệt phá. |
Xử lý hình sự
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh được quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh"
1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Phạm tội qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;
g) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
h) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
i) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
l) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
m) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200.000.000 đồng trở lên;
b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật trị giá 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;
c) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng;
d) Làm chết người;
đ) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;
đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật hình sự 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.