Sau những trì hoãn, hôm 26/12, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn nghị định thư về tư cách thành viên của Thụy Điển trong hồ sơ gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) của quốc gia Bắc Âu.

Theo nguồn tin từ Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nghị định thư đã được thông qua với đa số phiếu. Đảng Tốt đối lập và đảng Hạnh phúc đã bỏ phiếu chống.

Tuy nhiên, nghị định thư còn cần phải được Đại hội đồng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua trước khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phê chuẩn.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Bộ Ngoại giao Mỹ lập tức lên tiếng hoan nghênh động thái của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhanh chóng hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên họp ngày 26/12. Ảnh: AA.

“Chúng tôi hoan nghênh sự tiến bộ của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thúc đẩy các thủ tục gia nhập NATO của Thụy Điển và mong muốn Đại Hội đồng Quốc hội nhanh chóng thông qua. Là một đối tác quốc phòng ‘nặng ký’, việc Thụy Điển nhanh chóng gia nhập NATO sẽ củng cố liên minh này.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ.

Khi được hỏi chừng nào Mỹ có kế hoạch xúc tiến việc bán máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, người phát ngôn cho biết, Washington sẽ không xác nhận hoặc bình luận về việc chuyển giao vũ khí cho đến khi có thông báo chính thức từ Quốc hội.

“Tổng thống Biden từ lâu đã nói rõ rằng ông ủng hộ việc hiện đại hóa phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ cải thiện khả năng tương tác với NATO.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Với ý định cải thiện sức mạnh của lực lượng không quân, vào tháng 10/2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 máy bay phản lực F-16 do Lockheed Martin, Mỹ sản xuất, cùng gần 80 bộ thiết bị để hiện đại hóa số máy bay F-16 đời cũ mà Ankara đang sở hữu, một thỏa thuận được cho có trị giá 20 tỉ USD.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh động thái của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, kỳ vọng nước này cũng như Hungary nhanh chóng hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Ảnh: Reuters.

Vấn đề F-16 theo sau thương vụ F-35 mà Mỹ từ chối thực hiện với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Đến nay, Mỹ vẫn tỏ ra lấp lửng trước yêu cầu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên đã có những dấu hiệu bật đèn xanh khi Ankara “cởi mở” hơn trong hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều kiên định chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên dường như cả hai quốc gia đều đã “suy nghĩ lại” kể từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine ngày 24/2/2022.

Hồi tháng 5, Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. 

Hồ sơ gia nhập liên minh của 2 quốc gia Bắc Âu, trong đó Phần Lan là quốc gia láng giềng có đường biên giới dài phía tây bắc Nga, đã nhanh chóng nhận được sự chấp thuận của tất cả các thành viên NATO ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Các bên cuối cùng đã nhượng bộ và Phần Lan được chấp nhận là thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4.

leftcenterrightdel
  Ngày 18/5/2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: Reuters / Johanna Geron / Pool.

Về nguyên tắc, việc gia nhập NATO của một quốc gia đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong khối.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn là những thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn đề xuất của Thụy Điển sau 19 tháng kể từ khi nước này nộp đơn xin gia nhập.

Hồi tháng 11, đảng Tốt đã kêu gọi rút việc xem xét đơn của Thuỵ Điển xin gia nhập NATO do những bất đồng giữa hai nước, chủ yếu liên quan đến vấn đề chống khủng bố.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, lưu ý, nếu Thụy Điển gia nhập khối liên minh ắt gây ra những hậu quả tiêu cực. Tuyên bố của ông Peskov nói, Nga sẽ thực hiện biện pháp tương tự như những biện pháp đang được thi hành trong bối cảnh Phần Lan hoàn tất việc gia nhập NATO.

Văn Phong/Dailysabah, Sputnik