Ngày 10/7, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, sau cuộc gặp ba bên do ông chủ trì với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển ở Vilnius, Litva, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý ủng hộ đơn gia nhập NATO của Thụy Điển và sẽ sớm chuyển đề xuất này tới Quốc hội để phê chuẩn trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11/7.
“Đây là một bước đi lịch sử giúp tất cả đồng minh NATO mạnh mẽ và an toàn hơn.”, ông Stoltenberg nói, cho biết, Thụy Điển, với tư cách là một thành viên EU, cũng đã đồng ý hỗ trợ tích cực nỗ lực trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc họp ba bên cũng đã nhất trí hướng tới việc loại bỏ các biện pháp hạn chế giao dịch thương mại quốc phòng giữa các đồng minh, trong đó dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu thiết bị quân sự của Thụy Điển đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Stockholm trấn an Thổ Nhĩ Kỳ việc sẽ không hỗ trợ các tổ chức vũ trang mà Ankara coi là khủng bố sau khi trở thành thành viên NATO, vốn là một trong những điều kiện để Ankara chấp thuận đơn gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu.
Ông Stoltenberg cho biết, NATO cũng sẽ cơ cấu một Điều phối viên đặc biệt về chống khủng bố lần đầu tiên trong lịch sử của khối.
Tổng Thư ký NATO lưu ý, Hungary đã cam kết, sẽ không phải là thành viên cuối cùng phê chuẩn đơn của Stockholm.
|
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thư ký NATO Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Kristersson bày tỏ phấn khởi sau cuộc họp 3 bên tại Vilnius, Litva, ngày 10/7 về việc Stockholm gia nhập NATO. Nguồn: @Stoltenberg. |
Việc gia nhập NATO của một quốc gia đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong khối.
Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn bước phê duyệt cuối cùng để giúp Thụy Điển hoàn tất thủ tục trở thành thành viên NATO, đã cáo buộc Stockholm nương tay đối với các cuộc biểu tình chống Hồi giáo trong nước thời gian gần đây, cũng như với các tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Các nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đã nhanh chóng bày tỏ hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO .
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẵn sàng hợp tác với ông Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu- Đại Tây Dương.
Tuyên bố của ông Biden dường như cũng ám chỉ việc Nhà Trắng sẽ bật đèn xanh cho việc cung cấp lô máy bay chiến đấu F-16 theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, mà Washington đã dùng dằng trong hàng năm trời.
Trước đó Nhà Trắng cho biết, sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ về thương vụ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào việc Ankara có “gật đầu” chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO hay không.