Hôm 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin đã tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO, đưa quốc gia Bắc Âu có đường biên giới khoảng 1.300 km với Nga tiến gần hơn một bước trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Trước đó Chính phủ Phần Lan đã đệ trình Quốc hội một báo cáo về an ninh quốc gia, trong đó đặt vấn đề gia nhập NATO như một trong những hướng đi của Phần Lan.
Trong tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Phần Lan nhấn mạnh, việc trở thành thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan; bày tỏ nước này cần lập tức xin gia nhập NATO và thực hiện các bước cần thiết ngay trong vài ngày tới.
Cuối ngày 12/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tuyên bố của Phần Lan đánh dấu một "sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của nước này"; lưu ý, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ gây phương hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương Nga-Phần Lan vốn đang duy trì ổn định và an ninh ở khu vực Bắc Âu.
Bộ Ngoại giao Nga đồng thời cảnh báo các biện pháp đáp trả.
|
|
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin đã tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO. Ảnh: Markku Ulander / Lehtikuva / AFP / Getty. |
"Helsinki phải nhận thức được trách nhiệm và hậu quả của một động thái như vậy. Nga sẽ buộc phải thực hiện các bước đáp trả, gồm cả các biện pháp kĩ thuật quân sự và chính trị, để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia phát sinh trong vấn đề này.", tuyên bố nói.
Cũng trong ngày 12/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói, Phần Lan tham gia NATO sẽ không góp phần củng cố an ninh.
"Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, sự mở rộng của NATO không làm cho thế giới ổn định và an toàn hơn.", ông Peskov nói với báo giới, lưu ý, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào hoạt động của NATO ở gần biên giới nước này.
Theo ông Peskov, Nga sẽ phân tích tình hình và sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong một cuộc họp báo thường kì, người phát ngôn Điện Kremlin cảnh báo, cả Nga và NATO, bao gồm Mỹ, đều muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự. Tuy vậy, Nga sẽ sẵn sàng đưa ra "phản ứng không khoan nhượng" đối với những quốc gia cố gắng can dự vào "hoạt động quân sự đặc biệt" của nước này ở Ukraine.
|
|
Theo Bộ Ngoại giao Nga, việc Phần Lan và Thủy Điển gia nhập NATO sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia nước này. Nguồn: Getty / iStockphoto. |
Cùng ngày, Phó Đại diện thường trực Liên bang Nga tại LHQ Polyansky nói, việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO có thể khiến họ trở thành mục tiêu của đòn tấn công phủ đầu từ Nga.
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan duy trì vị thế trung lập và đã đứng ngoài NATO trong Chiến tranh Lạnh, nhưng việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các nước này phải xem xét lại chính sách an ninh của mình.
Một số cuộc thăm dò cho thấy, sự ủng hộ của dân chúng đối với việc gia nhập NATO ở Phần Lan đã tăng vọt từ khoảng 30% lên gần 80%.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, Phần Lan sẽ được "chào đón nồng nhiệt" nếu gia nhập liên minh.
"Tôi hoan nghênh tuyên bố chung của Tổng thống Niinisto và Thủ tướng Marin ủng hộ việc nộp đơn xin gia nhập NATO lập tức.", Stoltenberg cho biết hôm 12/5.
|
|
NATO đang hi vọng cờ của Thụy Điển, Phần Lan sẽ sớm được treo tại trụ sở NATO. Nguồn: AA/ Getty. |
"Đây là một quyết định mang tính chủ quyền của Phần Lan mà NATO hoàn toàn tôn trọng. Nếu Phần Lan quyết định, họ sẽ được chào đón nồng nhiệt vào NATO và quá trình gia nhập sẽ diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Phần Lan là một trong những đối tác gần gũi nhất của NATO, một nền dân chủ chín muồi, một thành viên của Liên minh châu Âu và là quốc gia đóng góp quan trọng cho an ninh Euro-Atlantic.”, ông Stoltenberg nói.
Người đứng đầu NATO cho biết, nhất trí với quan điểm của ban lãnh đạo Phần Lan rằng, "tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của cả NATO và Phần Lan".
Trong khi đó, Thụy Điển, nước láng giềng phía tây của Phần Lan, cũng cho biết sẽ sớm công bố quyết định gia nhập NATO.
Quyết tâm của Phần Lan và Thụy Điển đang được hỗ trợ khi nhiều thành viên chủ chốt trong NATO tuyên bố sẽ đảm bảo an ninh trong quá trình hai nước này gia nhập liên minh, trong trường hợp Moscow có động thái trả đũa.
Hôm 4/5, khi đang ở thăm Mỹ, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cho biết, Washington ủng hộ mạnh mẽ việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của NATO, và cam kết đảm bảo an ninh trong quá trình họ thực hiện các bước gia nhập.
Trong khi hôm 11/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố các hiệp ước an ninh mới với Phần Lan và Thụy Điển, cam kết hỗ trợ trong trường hợp các nước này bị tấn công.
Trước động thái của Phần Lan và Thụy Điển, Nga đã cảnh báo cả hai không nên gia nhập NATO, bằng không sẽ có những hậu quả.