Hôm 16/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, nước này sẽ không chấp thuận nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, vì hai nước “không có lập trường rõ ràng chống lại các tổ chức khủng bố”.

Phát biểu của ông Erdogan được đưa ra sau khi hai nước Bắc Âu tỏ rõ sự quyết tâm và chính thức công bố ý định gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO, động thái liên quan đến việc Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine.

Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không xem xét đơn xin gia nhập của Thụy Điển, Phần Lan theo chiều hướng tích cực, chủ yếu viện dẫn lịch sử “dung dưỡng các tổ chức khủng bố", bao gồm PKK (Đảng Công nhân người Kurd, một tổ chức chính trị cảnh tả vũ trang có cơ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ) và tổ chức Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), được cho là nhánh của PKK ở Syria.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP.

Ông Erdogan cũng tuyên bố không đồng ý việc gia nhập NATO do hai nước đã áp đặt lệnh trừng phạt chống Ankara, ám chỉ việc Thụy Điển và Phần Lan đã cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự nhằm xóa sổ YPG ở đông bắc Syria vào năm 2019.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ mô tả Thụy Điển là “trung tâm chứa chấp cho các tổ chức khủng bố”, cáo buộc một số chính trị gia nước này ủng hộ PKK, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu chỉ định là tổ chức khủng bố.

Hôm 16/5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, nước này đã chính thức quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO, một ngày sau khi Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto xác nhận, Helsinki sẽ sớm thực hiện các bước tương tự.

Trước đó cùng ngày, Văn phòng đối ngoại Thụy Điển cho biết, đại diện cấp cao của nước này và Phần Lan có kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán nhằm giải quyết những khúc mắc của Ankara.

leftcenterrightdel
 Trong cuộc họp báo hôm 15/5, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin (bên trái) và Tổng thống Sauli Niinisto (bên phải), tuyên bố nước này quyết định sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, ông Erdogan cảnh báo, Thụy Điển và Phần Lan đừng nhọc công và hi vọng thuyết phục Ankara thay đổi quan điểm; cho rằng, NATO sẽ trở thành “nơi tập trung đại diện của các tổ chức khủng bố” nếu hai nước này gia nhập liên minh.

Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ mới đây nói, Thụy Điển và Phần Lan từ chối dẫn độ 33 người được cho có liên hệ với PKK và tổ chức FETO, theo yêu cầu của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết muốn các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các “nhóm khủng bố” và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho nước này.

Trước đó hôm 14/5, người phát ngôn của Tổng thống Erdogan, Ibrahim Kalın, nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, nhưng muốn đàm phán và kiểm soát những gì họ coi là hoạt động khủng bố.

Hôm 15/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu lưu ý, Ankara không phản đối chính sách mở cửa của NATO; cho biết, các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan tại Berlin đã rất hữu ích. Hai nước đã đưa ra đề xuất để đáp ứng những lo ngại của Ankara.

Văn Phong/DS