Trong phiên họp toàn thể chiều 20/4, 200 thành viên Quốc hội Phần Lan bắt đầu thảo luận về việc liệu nước này có nên tìm kiếm tư cách thành viên của liên minh quân sự Bắc Đai Tây Dương (NATO) hay không. Sự kiện Nga tiến hành hoạt động quân sự ở Ukraine khiến chủ đề này trở thành vấn đề thu hút sự chú ý của giới chính trị và cả dân chúng.

Báo cáo của Chính phủ về ứng phó trước sự thay đổi trong môi trường an ninh đặt ra vấn đề đánh giá tác động của tư cách thành viên NATO, cũng như các lựa chọn an ninh khác, như gia tăng các thỏa thuận quốc phòng song phương.

Báo cáo không đưa ra khuyến nghị nhưng nhấn mạnh, việc quốc gia EU có chung đường biên giới 1.300 km với Nga mà không phải thành viên NATO, sẽ không được đảm bảo an ninh, mặc dù hiện là đối tác của liên minh. Trong khi nếu gia nhập NATO, “hiệu quả răn đe" quốc phòng của Phần Lan sẽ tăng lên đáng kể, trong khi Phần Lan cũng có nghĩa vụ trong việc hỗ trợ các quốc gia NATO khác.

leftcenterrightdel
Quốc hội Phần Lan họp phiên toàn thể. Nguồn: Pledgetimes. 

Thụy Điển cũng đang thảo luận việc có nên nộp đơn đăng ký trở thành thành viên NATO. Một cuộc thăm dò hôm 20/4 cho thấy, 57% người Thụy Điển hiện ủng hộ gia nhập NATO, tăng so với tỷ lệ 51% hồi tháng Ba. Trong khi tỷ lệ người phản đối từ giảm từ 24% xuống còn 21%. Những người phân vân cũng có xu thế giảm, từ 25% xuống còn 22%.

Ở Phần Lan, trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ người ủng hộ gia nhập NATO dao động ở mức 20-30%, tuy nhiên tỷ lệ này đã tăng mạnh lên hơn 60%, sau sự kiện Nga tấn công Ukraine, theo các cuộc thăm dò dư luận.

Các tuyên bố công khai do truyền thông Phần Lan thu thập cho thấy, phân nửa trong số 200 nghị sĩ hiện ủng hộ việc gia nhập NATO, so với chỉ 12 ý kiến phản đối. Những người còn lại cho biết sẽ đưa ra quyết định sau khi đã thảo luận kỹ lưỡng.

Chính phủ Phần Lan bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự đồng thuận của Quốc hội trong những tuần tới, sau khi các nghị sĩ nghe ý kiến phân tích sâu từ một số chuyên gia an ninh.

Hôm 16/4, Bộ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu của Phần Lan, Tytti Tuppurainen, tỏ ra lạc quan, nói, tình huống xin nhập NATO của nước này là rất triển vọng.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (trái) và người đồng cấp Phần Lan Sanna Marin đã gặp nhau tại Stockholm hôm 13/4 để thảo luận về hợp tác an ninh. Ảnh: VP Thủ tướng Phần Lan. 

Mặc dù quyết định vẫn chưa được đưa ra, nhưng bà Tuppurainen cho rằng, dường như đa số người Phần Lan đều ủng hộ nước này trở thành thành viên NATO.

Nhiều nhà phân tích dự đoán, Phần Lan sẽ nộp hồ sơ gia nhập NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của khối sẽ diễn ra vào tháng 6 tới. Mọi trường hợp xin gia nhập đều phải được tất cả 30 quốc gia NATO chấp thuận, một quá trình có thể kéo dài từ 4 tháng đến một năm.

Phần Lan cho đến nay đã nhận được sự ủng hộ công khai từ người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg, đảm bảo rằng, cánh cửa của liên minh luôn rộng mở.

Liên quan đến vấn đề, hôm 14/4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, cảnh báo, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này thì Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở giữa lòng châu Âu, ám chỉ vùng Kaliningrad của Nga nằm giữa Ba Lan và Litva trên bờ biển Baltic.

leftcenterrightdel
Các Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Thụy Điển Ann Linde đã gặp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Trụ sở NATO ở Brussels hồi đầu tháng Tư. Ảnh: NATO. 

Ông Medvedev nhấn mạnh, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ của liên minh này với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi. Khi đó, đương nhiên Nga sẽ phải tăng cường lực lượng cả trên bộ, trên không và trên biển ở Biển Baltic, bao gồm cả vũ khí hạt nhân và siêu thanh, như một biện pháp cân bằng buộc phải thực hiện.

“Khi đó, đừng nói đến một Baltic phi hạt nhân, đó là điều không phải bàn cãi.”, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga nói, chỉ rõ, Nga có vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Litva, giữa lòng châu Âu.

Cả Phần Lan và Thụy Điện đều kiên định chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên dường như cả hai quốc gia đều đang “suy nghĩ lại” kể từ khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine ngày 24/2.

Hôm 13/4 tại Stockholm, Thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển, Magdalena Andersson, đã thảo luận về biện pháp tăng cường an ninh của hai nước trong môi trường an ninh đã thay đổi. Trong nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia ngắn hạn và dài hạn, hai bên đã đánh giá những tác động trong tình huống gia nhập NATO, bao gồm việc đối phó với những rủi ro tiềm năng từ phía Nga. 

Văn Phong (tổng hợp từ truyền thông quốc tế)