Hôm 28/6, Văn phòng Tổng thống Phần Lan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ việc nước này và Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cùng ngày thông cáo của NATO cho biết, một bản ghi nhớ ba bên đã được ký kết bởi các ngoại trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển, trước sự chứng kiến của các nhà lãnh đạo ba quốc gia, cũng như như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trước đó, cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Phần Lan Sauli Niiniste, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và đại diện NATO kéo dài 4 giờ, ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid, Tây Ban Nha, đã đạt được đồng thuận bảo vệ an ninh của nhau.

leftcenterrightdel
 Hội đàm 4 bên (Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển và NATO) tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 28/6. Ảnh: AA.

Đây được coi là bước đột phá trong hồ sơ gia nhập NATO Phần Lan và Thụy Điển, sau một quá trình căng thẳng với sự phản đối khá quyết liệt từ Thổ Nhĩ Kỳ, thử thách sự đoàn kết của 30 lãnh đạo thành viên NATO trong nỗ lực chống lại hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

“Kết thúc cuộc hội đàm, ngoại trưởng các nước đã ký một bản ghi nhớ ba bên, trong đó xác nhận tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO.”, một thông cáo của Văn phòng Tổng thống  Niiniste cho biết, lưu ý, các bước để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ được thống nhất trong hai ngày tới.

"Bản ghi nhớ vừa đạt được giữa 3 nước là chìa khóa mở đường cho Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO.", Thủ tướng Thụy Điển bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển và NATO thở phào sau khi thỏa thuận 3 bên được ký kết ngay trước hội nghị thượng đỉnh của NATO. Ảnh: Reuters.

Trong khi Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Phần Lan và Thụy Điển cam kết không ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị cấm ở Thổ Nhĩ Kỳ và tổ chức của nhà truyền đạo Hồi giáo Fethullah Gulen (FETO), cũng như từ bỏ chính sách cấm vận vũ khí chống lại Ankara.

Ankara cũng nhấn mạnh, Helsinki và Stockholm đã cam kết sửa đổi luật pháp quốc gia trong lĩnh vực chống khủng bố và công nghiệp quốc phòng; lưu ý, thỏa thuận đạt được hôm 28/6 có nghĩa hai nước sẽ hợp tác đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PKK và các chi nhánh của tổ chức này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi đây là bước đi quan trọng đối với hồ sơ gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, giúp củng cố đoàn kết cũng như an ninh tập thể của Liên minh.

leftcenterrightdel
  Ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO. Ảnh: Reuters / Johanna Geron / Pool.

Thủ tướng Anh Johnson gọi đây là "tin tuyệt vời" để bắt đầu hội nghị thượng đỉnh NATO.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho biết, giờ đây 30 nhà lãnh đạo của NATO sẽ mời Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới 1.300 km với Nga và Thụy Điển gia nhập NATO và họ sẽ trở thành khách mời chính thức. "Cánh cửa đang mở, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ diễn ra.”, ông Stoltenberg nói.

Cả Phần Lan và Thụy Điện đều kiên định chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ qua, tuy nhiên cả hai quốc gia đã “suy nghĩ lại” sau khi khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine ngày 24/2. Ngày 18/5, Helsinki và Stockholm đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo xu hướng đối đầu của NATO. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố, việc mở rộng hơn nữa khối quân sự sẽ không mang lại an ninh tốt hơn cho châu Âu. 

Ông Peskov đồng thời nhấn mạnh, không coi việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO là mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Văn Phong/RIA, Sputnik, Reuters