Hãng thông tấn KCNA cho biết, ngày 19/1, Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) đã triệu tập Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 để thảo luận và quyết định những ‘vấn đề chính sách quan trọng’ của Đảng và nhà nước.

Ngoài việc thông qua nghị quyết về việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 110 năm và 80 năm ngày sinh của hai cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, Kim Jong Il, cuộc họp đã nghe báo cáo phân tích tình hình xung quanh bán đảo Triều Tiên và hàng loạt vấn đề quốc tế; đồng thời thảo luận về định hướng các biện pháp đối phó với ‘chính sách thù địch’ của Mỹ, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA viết.

Theo KCNA, vài năm qua kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên-Mỹ tại Singapore tháng 6/2018, Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc tập trận chung, cũng như tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược, đồng thời đưa các phương tiện tấn công tối tân vào Hàn Quốc và vũ khí hạt nhân chiến lược vào khu vực xung quanh bán đảo Triều Tiên, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của nước này.

Ngoài ra, Washington đã áp đặt hơn 20 biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên, điều chứng tỏ chính sách thù địch của Mỹ với Bình Nhưỡng.

leftcenterrightdel
Triều Tiên xác nhận đã phóng thành công một tên lửa siêu thanh vào sáng ngày 5/1. Nguồn: KCNA.  

Trên cơ sở nhận định chính sách thù địch và mối đe dọa quân sự của Mỹ đã chạm đến ranh giới nguy hiểm, bất chấp những nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên nhất trí nhận thức cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa cho cuộc đương đầu lâu dài với 'đế quốc Mỹ', bảo đảm tăng cường sức mạnh vật chất một cách đáng tin cậy và hiệu quả cho việc bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của đất nước.

Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên yêu cầu tăng cường ngay các phương tiện vật chất mạnh mẽ hơn, để có thể kiểm soát hiệu quả các động thái thù địch ngày một gia tăng của Mỹ đối với Triều Tiên; chỉ thị xem xét lại toàn diện các biện pháp xây dựng lòng tin mà nước này đã tự nguyện thực hiện, khẩn trương xem xét vấn đề ‘khởi động tất cả các hoạt động tạm ngừng’.

Quyết định này dường như là một bước đi tiếp theo những tuyên bố trước đó của nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào cuối năm 2019 nói, Triều Tiên sẽ không còn bị ràng buộc bởi lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tầm xa, sau khi Mỹ không đáp ứng các lời kêu gọi nhượng bộ để tái khởi động các cuộc đàm phán.

Cảnh báo của Triều Tiên được đưa ra vài giờ trước khi Hội đồng Bảo an LHQ triệu tập một cuộc họp kín vào 20/1 để thảo luận về các vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, theo yêu cầu của Mỹ và một số quốc gia khác.

leftcenterrightdel
Từ tháng 9/2021 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 7 vụ bắn tên lửa trong đó sáng 19/10/2021 đã bắn một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Remonews. 

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về động thái của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đề cập đến Triều Tiên trong cuộc họp báo kéo dài gần hai giờ vào 19/1, đánh dấu năm đầu tiên ông cầm quyền.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đang theo dõi các cuộc tập trận mùa đông của Triều Tiên trong tư thế sẵn sàng, gọi các vụ thử tên lửa gần đây là "mối đe dọa nghiêm trọng".

Trong khi Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ không nên quay trở lại quá khứ đối đầu trên bán đảo Triều Tiên; nhấn mạnh đối thoại và ngoại giao là con đường duy nhất để tiến về phía trước.

Jean Lee, một thành viên tại Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, Mỹ, lưu ý, Triều Tiên có thể thử tên lửa tầm xa hoặc vũ khí mạnh khác vào dịp kỷ niệm lần thứ 80 và 110 ngày sinh của hai cố lãnh tụ Triều Tiên vào tháng 2 và tháng 4, được coi là những ngày lễ lớn nhất của đất nước. Những diễn biến có thể khiến tình tình quay trở lại vòng luẩn quẩn của các hành động ‘khiêu khích và trừng phạt’ từng diễn ra vào năm 2017.

leftcenterrightdel
Ngày 15/1, truyền thông Triều Tiên tuyên bố ngày 14/1 đã phóng 2 tên lửa trong hoạt động diễn tập của Trung đoàn tên lửa đường sắt. Ảnh: KCNA/AFP/Getty.  

Sau khi bắn thử một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công đất liền Hoa Kỳ vào năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện một chính sách ngoại giao kiềm chế, không thử ICBM hay vũ khí hạt nhân cho đến tháng 9 năm ngoái, khi nước này bắt đầu tái thực hiện một loạt vụ thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa siêu thanhtên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), mà theo Bình Nhưỡng, là nỗ lực nhằm tự vệ.

Hôm 17/1, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa thứ tư trong vòng hơn 10 ngày của đầu năm mới 2022, sau hai vụ phóng ‘tên lửa siêu thanh’ và một vụ khác liên quan đến hệ thống tên lửa đường sắt.

Loạt vụ thử tên lửa dồn dập đã khiến Mỹ lên án và thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc, trong khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ có những hành động đáp trả mạnh mẽ hơn.

Diễn biến mới làm dấy lên lo ngại về sự quay trở lại thời kỳ được gọi là những mối đe dọa "lửa và cuồng nộ" năm 2017, trong đó Triều Tiên đã 15 lần thử tên lửa đạn đạo trong năm.

Người đứng đầu Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở ở Washington, Mỹ, Daryl Kimball, cho rằng, chính quyền Biden cần dẫn dắt các nỗ lực quốc tế để tái khởi động các cuộc đối thoại về các bước đi hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

“Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn chưa được hóa giải và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu không có chính sách ngoại giao tích cực và nghiêm túc.”, Ông Kimball nói.

Văn Phong/KCNA, Reuters