Ngày 24/1, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, trước đó vào 7h sáng cùng ngày, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình về phía biển Hoàng Hải, thông tin không nêu chi tiết vụ phóng, nói, việc phân tích dữ liệu đang được thực hiện.

“Trong khi tăng cường giám sát và cảnh giác, quân đội của chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ để theo dõi các dấu hiệu tiếp theo về hành động khiêu khích của Triều Tiên.”, JCS gửi thông báo tới các nhà báo sau vụ phóng như thường lệ.

Sự kiện đánh dấu vụ phóng tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 9/2023, khi nước này bắn thử hai tên lửa hành trình chiến lược tầm xa mang đầu đạn hạt nhân mô phỏng về phía biển Hoàng Hải.

Vụ phóng mới nhất diễn ra 10 ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh về phía biển Nhật Bản, trong lần phóng tên lửa đầu tiên trong năm nay.

Tên lửa siêu thanh được coi là khó bị phát hiện, bắn hạ hơn vì chúng bay ở tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5) và có tính cơ động cao cũng như có thể linh hoạt thay đổi hướng bay.

leftcenterrightdel
 Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn (IRBM) mang đầu đạn siêu thanh vào ngày 14/1. Nguồn: KCNA.

Tuần trước, Triều Tiên tuyên bố đã thử nghiệm một hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước đang được phát triển, để đáp trả cuộc tập trận chung 3 bên mới nhất trên biển giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, “vũ khí bí mật” này là thiết bị hạt nhân tự hành dưới nước Haeil (Sóng thần), được phát triển từ năm 2012 và đã trải qua hơn 50 cuộc thử nghiệm trong hai năm qua.

Giống như phương tiện không người lái dưới nước (UUV), một loại tàu ngầm không người lái mini, hay ngư lôi tự hành mang đầu đạn hạt nhân Poseidon, mệnh danh vũ khí ngày tận thế của Nga, vũ khí dưới nước của Triều Tiên được thiết kế để tạo ra sóng thần phóng xạ để hủy diệt tàu chiến và cơ sở hạ tầng ven biển của đối phương.

Căng thẳng vẫn ở mức cao dọc biên giới liên Triều khi các vùng đệm được tạo ra theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 không còn hiệu lực, sau khi Triều Tiên tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới biển phía tây hồi đầu tháng này.

Quân đội Hàn Quốc cho biết, sẽ tiếp tục các cuộc tập trận và bắn pháo gần biên giới khi các cuộc pháo kích của Bình Nhưỡng gần Đường giới hạn phía Bắc (NLL), biên giới trên biển trên thực tế giữa hai miền ở biển Hoàng Hải, đã hủy bỏ các vùng đệm mà hai bên đã thống nhất.

Văn Phong (theo Yonhap)