Trong buổi họp báo thường kỳ mới đây, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby khẳng định, Nhà Trắng không thấy dấu hiệu nào về bất kỳ hình thức hợp tác quân sự giữa tổ chức vũ trang Hồi giáo Palestine Hamas và Triều Tiên.
Trước đó, một số phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin kèm hình ảnh liên quan cho biết, lực lượng Hamas đang sử dụng vũ khí do Triều Tiên sản xuất.
Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) cũng có chung nhận định, đồng thời công bố bức ảnh chụp một vũ khí mà Hamas sử dụng, trên đó có ghi ký hiệu bằng chữ Triều Tiên.
Mặt khác, Nhà Trắng cũng xác nhận việc Nga nhận hàng chục tên lửa đạn đạo và bệ phóng từ Triều Tiên trong một loạt các cuộc không kích tàn khốc nhằm vào Ukraine, cụ thể trong các đợt tấn công vào ngày 30/12/2023, ngày 2 và 6/1, vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ.
Hội đồng bảo an LHQ ngày 10/1 cũng đã tổ chức cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Hwang Joon-kook đã lên án mạnh mẽ, nhấn mạnh việc giao dịch vũ khí giữa Moscow và Bình Nhưỡng vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng bảo an, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh bán đảo Triều Tiên, hối thúc hai nước ngừng hợp tác quân sự.
|
|
Ông John Kirby khẳng định, Nhà Trắng không thấy dấu hiệu nào về bất kỳ hình thức hợp tác quân sự giữa tổ chức vũ trang Hồi giáo Palestine Hamas và Triều Tiên. Nguồn: Saul Loeb/ AFP/ Getty. |
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood chỉ ra rằng, muốn giải quyết được tình hình tồi tệ trong suốt hai năm qua tại Ukraine thì cần phải xử lý vấn đề Nga vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga tại LHQ đã phản đối quyết liệt, cho rằng Mỹ tung tin đồn thất thiệt mà không đưa ra bằng chứng.
Moscow còn chỉ trích ngược lại Ukraine và các nước phương Tây về việc Kyiv dùng tên lửa do các nước phương Tây cung cấp để tấn công các khu chợ Giáng sinh, các tòa nhà dân cư, phụ nữ, người già và trẻ em tại thành phố Belgorod của Nga gần biên giới với Ukraine và những nơi khác.
Trong khi đó, quan chức hàng đầu về chính trị của LHQ Rosemary DiCarlo nói với hội đồng Bảo an, Ukraine đã phải gánh chịu một số cuộc tấn công tồi tệ nhất trong những tuần gần đây, kể từ khi cuộc chiến khởi phát từ tháng 2/2022, với tỉ lệ thương vong dân sự lên đến 69% ở các khu vực tiền tuyến là Donetsk, Kharkiv, Kherson và Zaporizhzhia.
Từ ngày 29/12 đến ngày 2/1, văn phòng nhân đạo LHQ đã ghi nhận 519 thường dân thương vong, trong khi đó, bà DiCarlo cho biết, có 98 người thiệt mạng và 423 người bị thương.
|
|
Hình ảnh do Ukraine công bố về thiệt hại do Nga tấn công đường không vào Kharkiv. Nguồn: SESU/Reuters. |
“Chúng tôi dứt khoát lên án mọi cuộc tấn công nhằm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bất kể chúng xảy ra ở đâu và do ai thực hiện. Những hành động như vậy vi phạm luật nhân đạo quốc tế và phải chấm dứt ngay lập tức”, bà DiCarlo nói.
Bà Edem Worsornu, Giám đốc về hoạt động của tổ chức nhân đạo LHQ, lưu ý hội đồng bảo an rằng, trên khắp Ukraine, các cuộc tấn công và thời tiết khắc nghiệt đã khiến hàng triệu người, tại 1.000 ngôi làng và thị trấn, không có điện hoặc nước vào đầu tuần này, khi nhiệt độ giảm xuống mức thấp nhất là dưới âm 15 độ C.
Theo bà Worsornu, hơn 14,6 triệu người Ukraine, khoảng 40% dân số, cần hỗ trợ nhân đạo.
Trong năm 2023, LHQ đã nhận được hơn 2,5 tỉ đô la trong số 3,9 tỉ đô la mà tổ chức này đề nghị phải có và họ đã có thể đưa viện trợ nhân đạo đến với 11 triệu người trên khắp Ukraine.
Bà Worsornu cho hay trong năm nay, LHQ sẽ phát ra lời kêu gọi tại Geneva vào tuần tới nhằm huy động 3,1 tỉ đô la để trợ giúp cho 8,5 triệu người.
Trước cuộc họp của Hội đồng bảo an, 8 nước trong đó có Hàn Quốc và Mỹ đã ra tuyên bố chung, chỉ trích mạnh mẽ việc Nga phóng tên lửa nhắm vào Ukraine, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.