Ngày 15/1, hãng thông tấn KCNA đưa tin, trước đó vào chiều ngày 14/1, Triều Tiên đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn (IRBM).

“Chiều ngày 14/1, Tổng cục tên lửa Triều Tiên đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn với đầu đạn có điều khiển có khả năng di chuyển siêu thanh. Vụ thử nghiệm đã diễn ra thành công.”, KCNA viết.

Tin nói, cuộc thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng cơ động của đầu đạn siêu thanh và độ tin cậy của động cơ đẩy đa tầng dùng nhiên liệu rắn có lực đẩy lớn, nhiều giai đoạn mới được nước này phát triển.

KCNA lưu ý, chuyến bay thử nghiệm không ảnh hưởng đến an ninh của các nước láng giềng và không liên quan gì đến tình hình khu vực.

Hôm 14/1, quân đội Hàn Quốc cho biết, đã phát hiện vụ phóng từ một khu vực trong hoặc xung quanh Bình Nhưỡng vào khoảng 14h55’ chiều cùng ngày. Tên lửa đã bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh nhiên liệu rắn hôm 14/1 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Chính phủ Nhật Bản xác nhận tên lửa rơi ở bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở Biển Nhật Bản và không gây thiệt hại cho máy bay hoặc tàu thuyền.

Sự kiện đánh dấu vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi nước này phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 nhiên liệu rắn vào ngày 18/12/2023, tên lửa vốn được cho có khả năng bay đến bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Mỹ theo quỹ đạo thông thường.

Nói với truyền thông vào tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết, Triều Tiên có thể bắn thử một loại IRBM mới ngay trong tháng này, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn cho một loại IRBM mới vào tháng 11 năm ngoái.

Tên lửa nhiên liệu rắn cho phép việc khai hỏa nhanh hơn, do không phải nạp nhiên liệu trước khi phóng tại bệ phóng như với nhiên liệu lỏng; cũng có nghĩa nó khó bị phát hiện hơn trong quá trình triển khai phóng.

Các quan chức quân sự Seoul tin rằng, IRBM đang được Bình Nhưỡng phát triển có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. IRBM có tầm bắn 3.000-5.500 km.

leftcenterrightdel
 Theo quân đội Nhật Bản, tên lửa của Triều Tiên rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Nhật Bản. Nguồn: NHK.

Guam, cách Triều Tiên khoảng 3.000 km về phía đông nam, là nơi đặt các căn cứ hải quân và không quân trọng yếu của Mỹ.

Đầu đạn siêu thanh nằm trong danh sách vũ khí công nghệ cao mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố sẽ phát triển tại đại hội đảng vào năm 2021 như một phần trong các dự án quân sự trọng điểm của đất nước.

Vào tháng 1/2022, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công tên lửa siêu thanh, khoảng ba tháng sau lần thử nghiệm đầu tiên hệ thống vũ khí mới Hwasong-8.

Tại cuộc họp toàn thể của đảng Lao động Triều Tiên vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Kim Jong Un kêu gọi tăng cường sẵn sàng chiến tranh để ngăn chặn điều mà ông gọi là những hành động đối đầu “chưa từng có” do Mỹ lãnh đạo chống lại đất nước ông.

Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông không có ý định tránh chiến tranh với Hàn Quốc và đe dọa sẽ tiêu diệt miền Nam nếu Seoul cố gắng sử dụng vũ lực chống lại miền Bắc.

Các chuyên gia nhận định, Triều Tiên có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa bằng các hành động khiêu khích trước thềm cuộc bầu cử quốc hội Hàn Quốc vào tháng 4 và bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Văn Phong/KCNA, Yonhap, Kyodo