Sáng ngày 28/1, Triều Tiên đã bắn một số tên lửa hành trình từ vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này, quân đội Hàn Quốc cho biết, vài ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa hành trình chiến lược mới từ bờ biển phía tây.

Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra vào khoảng 8h sáng ở vùng biển ngoài khơi thành phố cảng Shinpo, nhưng không nêu chi tiết vụ phóng.

JCS nói, đang phối hợp chặt chẽ với quân đội Mỹ theo dõi sát các động thái của Triều Tiên.

Sự kiện đánh dấu lần phóng tên lửa hành trình thứ hai của Triều Tiên trong tháng đầu tiên của năm nay, sau khi nước này bắn thử tên lửa hành trình chiến lược mới Pulhwasal-3-31 về phía Hoàng Hải hôm 24/1.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng tên lửa hành trình chiến lược mới Pulhwasal-3-31 của Triều Tiên hôm 24/1. Nguồn: KCNA.

Triều Tiên đã nhiều lần thử tên lửa hành trình kể từ năm ngoái, bao gồm các vụ phóng từ tàu ngầm. Tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật và được cho là có khả năng bay ở độ cao thấp và quỹ đạo bay linh hoạt.

Các nhà quan sát cho rằng, loại vũ khí này được thiết kế để sử dụng trong trường hợp có tình huống bất ngờ xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên, với các mục tiêu tiềm năng là các căn cứ quân sự của Hàn Quốc và Mỹ, bao gồm cả các cơ sở của Mỹ ở Nhật Bản.

Trong một số bài đăng hôm 27 và 28/1, hãng thông tấn Triều Tiên đã lên án các cuộc tập trận quân sự do Mỹ và Hàn Quốc tiến hành; cảnh báo, nếu ngòi nổ chiến tranh bùng lên, họ sẽ trở thành mục tiêu tấn công.

Trong một động thái liên quan, Nhật Bản và Mỹ gần đây đã đồng ý bắt đầu nghiên cứu chung về trí tuệ nhân tạo (AI), với hy vọng sử dụng công nghệ cho máy bay không người lái (UAV) có thể hoạt động đi cặp với máy bay chiến đấu tiếp theo của Tokyo.

leftcenterrightdel
 Vụ phóng được thực hiện từ vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông Triều Tiên / NHK.

Nhật Bản có kế hoạch hợp tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý vào năm 2035.

Mỹ, đồng minh an ninh quan trọng của Nhật Bản, mặc dù không tham gia dự án nhưng nước này đã tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Tokyo, bao gồm cả khả năng của hệ thống tự hành.

Mục tiêu của nghiên cứu chung về AI là “cách mạng hóa hoạt động tác chiến trên không bằng cách kết hợp trí tuệ nhân tạo tiên tiến và công nghệ máy học với các phương tiện bay không người lái tiên tiến.”, Không quân Mỹ cho biết trong thông cáo báo chí đưa ra vào tháng trước sau khi ký kết thỏa thuận.

Theo thông cáo, AI được phát triển trong nghiên cứu chung này dự kiến sẽ được áp dụng cho các UAV hoạt động cùng với máy bay chiến đấu tiếp theo của Nhật Bản;  nhấn mạnh sự hợp tác sẽ hữu ích trong việc duy trì lợi thế công nghệ của liên minh Nhật-Mỹ.

leftcenterrightdel
 Máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo do Nhật Bản, Anh và Ý hợp tác phát triển. Ảnh chụp màn hình, nguồn: BQP Nhật Bản /Kyodo.

UAV có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu bằng cách bay cặp với máy bay chiến đấu.

Thỏa thuận phát triển máy bay chiến đấu ba bên đã đạt được vào tháng 12/2022, với việc Washington tuyên bố ủng hộ hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với hai thành viên NATO khi quốc gia châu Á này phải đối mặt với môi trường an ninh tiềm ẩn bất ổn trong khu vực.

Tokyo ban đầu tìm cách hợp tác với các công ty quốc phòng Mỹ để phát triển máy bay chiến đấu mới nhưng quyết định tìm kiếm đối tác khác do các quy định nghiêm ngặt của Mỹ về bảo mật thông tin.

Nhật Bản muốn phát triển loại máy bay tiên tiến để thay thế phi đội F-2, một tiêm kích đa nhiệm hợp tác phát triển chung với Mỹ bắt đầu phục vụ từ năm 2000, trên cơ sở F-16 Fighting Falcon; trong khi Anh và Ý đặt mục tiêu thay thế máy bay chiến đấu Eurofighter của châu Âu.

Văn Phong/Yonhap, NHK