Hôm 15/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tạm quyền nước này.

Theo Hiến pháp Sri Lanka, ông Wickremesinghe sẽ giữ vai trò Tổng thống tạm quyền (tối đa đa 30 ngày), cho đến khi Quốc hội bầu ra người kế nhiệm ông Gotabaya Rajapaksa, người đã từ chức sau làn sóng biểu tình dữ dội của công chúng với cáo buộc giới lãnh đạo đất nước tham nhũng và xử lý khủng hoảng yếu kém.

Phát biểu trên truyền hình sau khi nhậm chức, ông Wickremesinghe cho biết, sẽ thiết lập luật lệ, trật tự. 

Các nhà lập pháp Sri Lanka sẽ triệu tập vào ngày 16/7 để chọn một tân Tổng thống, người sẽ tiếp tục nhiệm kỳ Tổng thống dở dang của ông Rajapaksa, sẽ kết thúc vào năm 2024.

leftcenterrightdel
 Quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe (bên phải), trong lễ nhậm chứng trước sự chứng kiến của Chánh án Jayantha Jayasuriya. Nguồn: Văn phòng Tổng thống Sri Lanka / AP.

Trước đó, hôm 14/7, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa cùng vợ và 2 vệ sĩ đã tới Singapore, một ngày sau khi lánh nạn ở Maldives. Ngay khi đến Singapore, ông Rajapaksa đã có đơn xin từ chức. 

Đơn này đã được đưa đến Sri Lanka bằng máy bay và chuyển đến tận tay Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardenena, người sau đó chính thức thông báo  ông Rajapaksa đã từ chức.

Trước tin ông Tổng thống từ chức, vào đêm 14/7, người dân Sri Lanka đã đổ ra đường tổ chức các hoạt động ăn mừng, cho rằng, diễn biến là một chiến thắng chống lại tham nhũng và sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Một số người biểu tình cho biết, họ có kế hoạch tiếp tục các cuộc biểu tình cho đến khi ông Wickremesinghe, người trước đó là Thủ tướng và hiện đang là Tổng thống tạm quyền, từ chức; hơn thế, ông này phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng kinh tế trầm trọng của đất nước.

"Chúng tôi tiếp tục đấu tranh cho đến khi ông Rajapaksa bị trừng phạt thích đáng cho những gì ông ta đã làm.", Mariyan Malki, 29 tuổi, một người dân Sri Lanka tham gia lễ ăn mừng nói.

Văn Phong/CNN, AP