84 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát và quân đội ở thủ đô Colombo của Sri Lanka hôm 13/7, truyền thông địa phương đưa tin.

Sáng 13/7, người biểu tình tập trung trước Văn phòng Thủ tướng, kêu gọi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người hiện giữ chức Quyền Tổng thống, từ chức. 

leftcenterrightdel
 Người biểu tình chiếm giữ Văn phòng Thủ tướng ngày 13/7. Nguồn: @AdaDerana24

Tin nói, 42 người đã bị thương khi những người biểu tình cố gắng đột nhập vào khu phức hợp tòa nhà Quốc hội vào đêm 13/7, trong khi 42 người khác bị thương vào sáng cùng ngày khi đụng độ xảy ra trong quá trình người biểu tình chiếm giữ Văn phòng Thủ tướng.

Các nguồn tin của bệnh viện cho biết, trong số những người bị thương có 79 nam, 5 nữ, một số binh sĩ, cảnh sát và nhà báo.

leftcenterrightdel
 Lực lượng vũ trang Sri Lanka chốt giữ ở thủ đô Colombo. Ảnh: Dailymirror.

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Sri Lanka, tướng Nilantha Premaratna cho biết, ít nhất 16 binh sĩ đã bị thương trong cuộc đụng độ với người biểu tình hôm 13/7 đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó 2 binh sĩ bị tấn công đến bất tỉnh và bị người biểu tình tước đoạt 2 khẩu súng T-56 cùng 2 băng đạn chứa 60 viên đạn, khi biểu tình bạo lực xảy ra ở khu vực tòa nhà Quốc hội.

Ông Premaratna cảnh báo bạo lực có thể leo thang khi người biểu tình sử dụng những vũ khí tước đoạt từ binh lính.

Trong một tin liên quan, Daily Mirror cho biết, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa cùng phu nhân và 2 vệ sĩ đã khởi hành từ Maldives trên một chuyến bay của Saudi Airlines hướng đến một nước Đông Nam Á, nơi ông sẽ tuyên bố từ chức như cam kết.

Trước nguy cơ bạo lực leo thang, các lực lượng vũ trang nhấn mạnh, họ được Hiến pháp trao quyền để thực thi luật pháp, giữ gìn trật tự của đất nước cũng như để bảo vệ người dân và tài sản công cộng của quốc gia; kêu gọi người dân giữ bình tĩnh, hợp tác với các lực lượng an ninh để duy trì luật pháp và trật tự trong thời gian chờ bổ nhiệm một chính quyền mới.  

leftcenterrightdel
 Người biểu tình chiếm giữ Văn phòng Thủ tướng ngày 13/7. Ảnh: Dailymirror.

Mặt khác, yêu cầu người biểu tình kiềm chế, không đập phá tài sản công cũng như tài sản tư nhân. 

Các lực lượng vũ trang Sri Lanka cũng cho biết, trong 72 giờ qua, trong các cuộc gặp với Quyền Tổng thống và Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các đảng phái chính trị, họ đã yêu cầu đẩy nhanh giải quyết các vấn đề liên quan đến sự bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng của đất nước trên cơ sở quy định của hiến pháp.

Sri Lanka đã lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.

Nhiều khu vực phải đối mặt với tình trạng mất điện liên miên. Trong khi nợ nước ngoài của quốc đảo ước tính lên tới 51 tỉ USD.

leftcenterrightdel
 Xe bọc thép xuất hiện trên đường phố ở thủ đô Colombo của Sri Lanka. Ảnh: Dailymirror.

Tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuộc men trầm trọng kéo theo giá cả biến động khiến người dân bức xúc, tổ chức nhiều cuộc biểu tình yêu cầu giới chức lãnh đạo đất nước từ chức với cáo buộc tham nhũng và xử lý khủng hoảng yếu kém.

Đỉnh điểm của làn sóng biểu tình là cuộc bạo loạn khi cả trăm nghìn người tập trung ở thủ đô Colombo hôm 9/7, tràn vào chiếm giữ tư dinh của Tổng thống và đốt phá dinh thự của Thủ tướng.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tuyên bố sẽ từ chức ngày 13/7 và rời bỏ đất nước.

Tuy nhiên trái với mong đợi của phe đối lập, ông Rajapaksa đã không chuyển đơn từ chức cho Chủ tịch Quốc hội vào thời gian như tuyên bố mà bổ nhiệm Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, người cũng bị phe biểu tình yêu cầu từ chức làm Quyền Tổng thống.

Văn Phong (theo RIA, truyền thông Sri Lanka)