Theo ông Darmanin, 903 vụ đốt phá đã xảy ra trên các tuyến phố ở thủ đô Paris trong ngày 23/3, trong khi một phần tòa thị chính tại thành phố Bordeaux cũng bị ảnh hưởng, khiến đây được xem là ngày biểu tình bạo lực nhất kể từ khi hoạt động này nổ ra hồi tháng 1.

Trong bối cảnh lo ngại xảy ra bạo lực trong cuộc tổng đình công và biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, Bộ Nội vụ Pháp ngày 23/3 đã triển khai 12.000 cảnh sát trên cả nước, trong đó 5.000 cảnh sát ở thủ đô Paris. Ông Darmanin nhấn mạnh tranh luận liên quan cải cách là điều bình thường, song các cuộc biểu tình không nên diễn ra theo cách bạo lực. 

leftcenterrightdel
 Cảnh sát được triển khai đối phó với các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Chính phủ, tại Paris, Pháp, ngày 23/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp các ý kiến phản đối dẫn tới các cuộc biểu tình và đình công liên tiếp trong thời gian gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/3 tuyên bố luật cải cách chế độ hưu trí sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Theo luật này, tuổi nghỉ hưu được nâng từ 62 tuổi lên 64 tuổi vào năm 2030 và áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Bên cạnh đó, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ.

Cũng trong ngày 24/3, Điện Elysee thông báo chuyến thăm Pháp của Vua Charles của Anh đã bị hoãn, trong bối cảnh nổ ra làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp nước Pháp để phản đối luật cải cách hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuyên bố từ Điện Elysee cho biết: "Quyết định này được các chính phủ Pháp và Anh đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp và Nhà Vua Anh sáng nay. Chuyến thăm cấp nhà nước này sẽ được lên kế hoạch lại sớm nhất có thể".

Trước đó, nghiệp đoàn lớn nhất Pháp CGT đã lên tiếng kêu gọi nhân viên đình công, không chuẩn bị thảm đỏ và các công việc lễ tân khác cho việc tiếp đón vị nguyên thủ Anh tới thăm nước này.

Theo Báo Tin tức/TTXVN