Hôm 14/2, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko tuyên bố, Kiev có thể chấp nhận từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO nếu điều này giúp ngăn chặn chiến tranh với Nga.

Đại sứ Prystaiko gọi đây là một nhượng bộ lớn đối với Moscow trước việc Nga tăng cường quân đội ở biên giới, đe dọa Ukraine.

Nói với báo chí, nhà ngoại giao Ukraine cho biết, Kiev sẵn sàng "linh hoạt" đối với mục tiêu gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, một động thái mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cho là sẽ kích hoạt chiến tranh.

leftcenterrightdel
Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko. Ảnh: Canberratimes. 

Ukraine đã nhận được lời hứa từ năm 2008 về việc cuối cùng nước này sẽ có cơ hội gia nhập NATO, một bước đi đưa liên minh do Mỹ dẫn đầu tiến sát biên giới Nga.

Ông Putin nói, mối quan hệ ngày càng khăng khít của Ukraine với NATO có thể biến nước này thành bệ phóng cho các tên lửa của liên minh này nhắm vào Nga; do vậy Nga cần vạch ra "lằn ranh đỏ" để ngăn chặn điều đó.

Trước đó ngày 7/2, trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Macron, ông Putin cảnh báo, nếu Ukraine gia nhập NATO và cố gắng giành lại Crimea bằng biện pháp quân sự, điều mà Nga sẽ không chấp nhận, các nước châu Âu sẽ nghiễm nhiên bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Nga, điều mà khối này có thể không mong muốn.

leftcenterrightdel
Hình ảnh vệ tinh cáo buộc Nga tập trung quân gần biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar Technologies / Handout /Reuters. 

"Tại sao việc kết nạp Ukraine (vào NATO) lại nguy hiểm đến vậy? Chính là có vấn đề ở đây: các nước châu Âu, trong đó có Pháp, cho rằng Crimea chẳng hạn, là của Ukraine, trong khi chúng tôi cho rằng đó là một phần của Liên bang Nga. Và nếu như những mưu toan nhằm thay đổi tình hình này bằng các biện pháp quân sự được thực hiện như học thuyết của Ukraine và theo Điều 5 Hiến chương NATO (quy định về phòng thủ tập thể- PV), tức là sẽ có một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO.", ông Putin phân tích.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, tiềm năng quân sự của NATO và Nga là không thể so sánh; tuy nhiên Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu và trong một số thành phần, Moscow thậm chí còn đi trước nhiều nước khác. Do đó, sẽ không có người chiến thắng khi xảy ra một cuộc xung đột.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Đức Scholz đã đến Kyiv hôm 14/2, chặng dừng chân đầu tiên trước khi thăm Nga. Ảnh: Michael Kappeler / Picture Alliance/ Getty. 

Trong một diễn biến liên quan, hôm 14/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tới Kiev trước khi thăm Moscow, trong một nỗ lực ngoại giao mới nhất nhằm ngăn chặn một cuộc “xâm lược” của Nga.

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức diễn ra khi các nước phương Tây ồ ạt rút nhân viên ngoại giao Kiev, trong đó nhiều quốc gia kêu gọi công dân của họ rời đi ngay lập tức.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhắc lại cam kết theo đuổi ngoại giao để xoa dịu căng thẳng, khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo, Moscow đang tìm cơ cho cuộc tấn công Kiev.

Nga được cho đã điều động hơn 100.000 quân và vũ khí hạng nặng gần biên giới Ukraine trong những tuần gần đây, khiến Mỹ và các đồng minh NATO cảnh báo một cuộc xâm lược có thể sắp xảy ra.

Văn Phong/Sputnik, Alja, Canberratimes