Có triển vọng sau cuộc gặp!

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp kéo dài 5 giờ tại Moscow hôm 7/2, trong hoạt động ngoại giao con thoi của nhà lãnh đạo Pháp, trong nỗ lực giảm leo thang căng thẳng phương Tây- Nga, vốn đã lên đến đỉnh điểm xung quanh điểm nóng Ukraine.

Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga- Pháp, Tổng thống Pháp Macron đã gọi cuộc hội đàm là bước đi cần thiết để xây dựng hòa bình ở châu Âu.

"Nga là một quốc gia châu Âu. Cần phải làm việc với Nga để xây dựng một tương lai ở châu Âu", ông Macron nói hôm 8/2; nhấn mạnh, cần phải đối thoại với Nga để giải quyết các vấn đề toàn cầu quan trọng khác.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng lưu ý, Paris cũng quan tâm đến mối quan hệ song phương tốt đẹp với Nga.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Moscow, Nga ngày 7/2.  Ảnh: Sputnik / Kremlin/ Reuters.  

Ông Macron cho rằng, những ý tưởng của ông tại cuộc gặp tạo tiền đề triển vọng ở thời điểm quyết định cho một xu hướng đối thoại. “Vài ngày tới sẽ là thời điểm mang tính quyết định và sẽ cần các cuộc thảo luận chuyên sâu mà chúng tôi sẽ cùng nhau theo đuổi.”, ông Macron nói.

Ông Putin cũng xác nhận, một số ý tưởng của nhà lãnh đạo Pháp Macron có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng.

“Một số ý tưởng, đề xuất của ông ấy (Macron-PV) tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm cơ sở cho các bước chung tiếp theo của chúng tôi.”, Tổng thống Nga bày tỏ.

Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ nói chuyện trở lại sau khi ông Macron gặp lãnh đạo Ukraine, được lên kế hoạch vào ngày 8/2.

Cảnh báo mối đe dọa chiến tranh

Tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm, ông Putin nhắc lại, các đề xuất của Nga về đảm bảo an ninh bao gồm ba điểm chính liên quan đến việc không mở rộng NATO về phía Đông, không triển khai các hệ thống vũ khí tấn công gần biên giới Nga, đưa cơ sở hạ tầng của NATO trở lại trạng thái như năm 1997 khi Đạo luật thành lập Nga-NATO được ký kết. Tuy nhiên, những mối quan tâm chính này của Nga đã bị Mỹ và NATO ‘bỏ qua’ trong các phản hồi Moscow nhận được vào ngày 26/1.

Phương Tây một lần nữa lập luận rằng, mỗi quốc gia có quyền tự do chọn các cách để đảm bảo an ninh của mình và tham gia vào bất kỳ liên minh hay khối quân sự nào. Đáp lại, ông Putin nói, Moscow chưa bao giờ tranh luận về điều này; nhưng lưu ý, bản thân các liên minh không có nghĩa vụ phải chấp nhận (kết nạp) bất cứ quốc gia nào muốn gia nhập.

leftcenterrightdel
Trước một thực tế nan giải, hai nhà lãnh đạo tỏ ra khá căng thẳng trong cuộc hội đàm. Ảnh: Sputnik / Kremlin/ Reuters.  

Ông Putin nhắc lại, Nga phản đối mạnh mẽ việc mở rộng NATO bằng cách kết nạp thêm các thành viên mới ở phía Đông, bởi điều này gây ra mối đe dọa chung cho cả Nga và NATO. Việc NATO mở rộng hơn nữa đến biên giới Nga, trong khi Moscow không tiến về phía NATO, do đó, việc nói Nga gây hấn là không lô gíc với thực tế.

Cũng theo ông Putin, nếu Ukraine gia nhập NATO và cố gắng giành lại Crimea bằng biện pháp quân sự, điều mà Nga sẽ không chấp nhận, các nước châu Âu sẽ nghiễm nhiên bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự với Nga, điều mà khối này có thể không mong muốn.

"Tại sao việc kết nạp Ukraine (vào NATO) lại nguy hiểm đến vậy? Chính là có vấn đề ở đây: các nước châu Âu, trong đó có Pháp, cho rằng Crimea chẳng hạn, là của Ukraine, trong khi chúng tôi cho rằng đó là một phần của Liên bang Nga. Và nếu như những mưu toan nhằm thay đổi tình hình này bằng các biện pháp quân sự được thực hiện như học thuyết của Ukraine và theo Điều 5 Hiến chương NATO (quy định về phòng thủ tập thể- PV), tức là sẽ có một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO.", ông Putin phân tích.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, tiềm năng quân sự của NATO và Nga là không thể so sánh; tuy nhiên Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu và trong một số thành phần, Moscow thậm chí còn đi trước nhiều nước khác. Do đó, sẽ không có người chiến thắng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột.

Văn Phong/Reuters, Sputnik, TASS,