Nga sẽ “có biện pháp” trong tình huống đối đầu

Hôm 18/12, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cảnh báo, Nga sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đối phó nếu Mỹ và NATO từ chối các đề xuất an ninh của Moscow.

Theo ông Grushko, Nga đã nói rõ việc sẵn sàng thảo luận về các cách để chuyển một kịch bản quân sự, đối đầu sang một tiến trình chính trị giúp tăng cường an ninh của tất cả các quốc gia trong OSCE, không gian châu Âu-Đại Tây Dương và Á-Âu. Nếu mục tiêu này không thành công, Nga sẽ buộc phải triển khai các biện pháp đối phó.

leftcenterrightdel
Trong cuộc gặp trực tuyến hôm 7/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ mong muốn được gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Putin trong lần gặp tiếp theo. Ảnh: Reuters.

Trước đó hôm 13/12, Nga tuyên bố có thể buộc phải triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu.

Ông Grushko nhấn mạnh, các đề xuất của Nga là nhằm chặn đứng bước leo thang có thể đi tới “ranh giới nguy hiểm” hiện nay trong quan hệ Nga - Mỹ, mở đường tiến tới đối thoại.

Cơ hội hóa giải căng thẳng NATO-Nga

Hôm 17/12, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố hai dự thảo thỏa thuận về đảm bảo an ninh Nga - Mỹ và NATO, vốn đã được trao cho giới chức Mỹ trong một cuộc họp tại Moscow vào ngày 15/12.

Dự thảo đầu tiên mang tên 'Hiệp ước Mỹ-Nga về đảm bảo an ninh', đề xuất các cam kết ràng buộc pháp lý của Moscow và Washington không triển khai vũ khí và lực lượng ở những khu vực mà họ có thể bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia đối với bên kia; yêu cầu hai nước hạn chế các hoạt động của máy bay và tàu chiến trong khoảng cách tấn công của bên kia, đồng thời đặt ra giới hạn cho việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở nước ngoài và ở các khu vực mà chúng có thể tấn công các mục tiêu ở bên kia.

leftcenterrightdel
Đề xuất an ninh của Moscow yêu cầu cả Nga và NATO không thực hiện các cuộc tập trận lớn gần biên giới của nhau. Ảnh: moderndiplomacy.eu. 

Hiệp ước Mỹ-Nga được đề xuất tiếp tục yêu cầu cả hai bên kiềm chế việc triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài và vũ khí hạt nhân đã được triển khai phải được trả về quốc gia xuất xứ. Đề xuất này cũng yêu cầu Mỹ cam kết không tiếp tục mở rộng NATO về phía đông, không mời thêm bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên Xô cũ tham gia liên minh. 

Washington cũng được yêu cầu không tạo căn cứ quân sự ở các nước thuộc Liên Xô cũ, không sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự hoặc phát triển hợp tác quân sự với các nước này. Cả hai nước đều bị hạn chế tiến hành các cuộc tập trận quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc chuẩn bị cho các quốc gia phi hạt nhân sử dụng vũ khí hạt nhân.

Dự thảo thứ hai mang tên 'Thỏa thuận về các biện pháp đảm bảo an ninh Nga-NATO', phác thảo các biện pháp mà theo Nga, có thể giúp hóa giải vĩnh viễn căng thẳng giữa Nga với NATO. Các điều khoản bao gồm việc ngăn ngừa NATO mở rộng thêm, bao gồm kết nạp Ukraine; đồng thời đặt ra các giới hạn về việc triển khai thêm vũ khí và quân đội của các thành viên liên minh vượt ra ngoài biên giới của khối như hiện trạng vào năm 1997, trước khi các nước Đông Âu gia nhập NATO, trừ những trường hợp ngoại lệ được sự chấp thuận của Nga.

leftcenterrightdel
Nga giới thiệu ống phóng và bệ phóng di động tên lửa hành trình đất đối đất 9M729 tại một cuộc họp báo ở Moscow ngày 23/1/2019. Ảnh: Reuters/ Maxim Shemetov. 

Trong dự thảo này, NATO cũng được yêu cầu từ bỏ các hoạt động quân sự ở Ukraine, Caucasus và Trung Á. NATO và Nga không được triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở những khu vực mà chúng có thể tấn công lãnh thổ của phía bên kia; không tiến hành các cuộc tập trận cao hơn cấp lữ đoàn gần khu vực biên giới đã thỏa thuận. Có nghĩa vụ thường xuyên trao đổi thông tin về các cuộc tập trận quân sự của nhau và thiết lập đường dây nóng để liên lạc khẩn cấp. 

Đáng lưu ý, dự thảo kêu gọi các bên chính thức khẳng định không coi nhau là đối thủ và cam kết không cố ý tạo ra các điều kiện mà bên kia có thể coi là mối đe dọa.

Tin liên quan, các quan chức Washington và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận đã nhận được các đề xuất của Nga. Nhà Trắng cho biết đang nghiên cứu và sẽ sớm liên lạc với Moscow để thảo luận về các bước tiếp theo. Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan xác nhận Mỹ vẫn chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Nga theo hình thức thích hợp.

Trong khi phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres đã ghi nhận các báo cáo truyền thông về các đề xuất của Nga, hoan nghênh đối thoại Nga - Mỹ ở nhiều cấp độ để dung hòa những khác biệt, giải quyết căng thẳng và bảo vệ hòa bình khu vực.

Văn Phong/Sputnik