Ngày 26/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga đã sẵn sàng tạm hoãn việc triển khai tên lửa 9M729 tại tỉnh Kaliningrad, phần lãnh thổ châu Âu của Nga, mà Washington coi là vi phạm Hiệp ước INF, nhưng với điều kiện các nước NATO có các bước đi tương tự “có đi có lại”.
Ông Putin tái khẳng định cam kết tạm hoãn triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất, tuy nhiên NATO cũng phải có hành động tạm hoãn tương tự, không có vũ khí tên lửa cùng loại nào của Mỹ/NATO xuất hiện ở các khu vực tương ứng.
Tống thống Putin đề nghị các bên liên quan cùng nhau thiết lập các công cụ kiểm soát để hỗ trợ sáng kiến của Nga, xem xét các biện pháp kiểm chứng qua lại liên quan đến hệ thống Aegis Ashore được trang bị bệ phóng Mk 41 tại các căn cứ của Mỹ và NATO ở châu Âu và tên lửa 9M729 tại các cơ sở quân sự của Nga ở tỉnh Kaliningrad.
|
|
Tên lửa 9M729/SSC-8 của Nga. Ảnh: Teller Report. |
Mục đích của các biện pháp kiểm chứng như vậy nhằm xác nhận sự vắng mặt của tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ mặt đất, cũng như các loại vũ khí có thông số và phân loại vẫn còn là một tranh cãi giữa hai bên (như tên lửa 9M729 của Nga). Cách thức này giúp loại bỏ mối quan ngại hiện có giữa các bên, cũng như củng cố niềm tin lẫn nhau.
Ông Putin bày tỏ, Nga vẫn giữ quan điểm rằng Hiệp ước INF là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc duy trì an ninh quốc tế và ổn định chiến lược. Cho rằng, việc Hoa Kỳ rút khỏi INF, dẫn đến việc chấm dứt Hiệp ước này, là một sai lầm nghiêm trọng, làm trầm trọng thêm rủi ro của một cuộc chạy đua vũ khí tên lửa, tăng tiềm năng đối đầu và leo thang không kiểm soát. Trong bối cảnh căng thẳng Nga-NATO kéo dài, các mối đe dọa mới đối với an ninh toàn châu Âu là rõ ràng.
|
|
Nga tuyên bố tên lửa 9M729 không vi phạm Hiệp ước INF và sẵn sàng cho báo chí tới tận cơ sở sản xuất để có thông tin kiểm chứng. Ảnh: Sputnik. |
Trong tình hình căng thẳng hiện nay, theo ông Putin, cần có những nỗ lực mạnh mẽ để giảm bớt sự thiếu hụt lòng tin, củng cố ổn định khu vực và toàn cầu, cũng như giảm thiểu rủi ro do hiểu lầm và bất đồng trong lĩnh vực vũ khí tên lửa.
9M729 (định danh NATO là SSC-8) dài 6-8m, đường kính 0,53m, đầu đạn nặng 450kg, là tiên lửa hành trình phóng từ mặt đất bí mật được Nga phát triển vào giữa những năm 2000 và bắt đầu bay thử nghiệm vào năm 2008. Nó được bắn thử nghiệm đầu tiên vào tháng 7/2014 và một lần nữa vào ngày 2/9/2015.
|
|
Trong khi Nga cho rằng tên lửa 9M729 có tầm bắn trong phạm vi 500km thì Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASIC) nói, con số này là 2.500km. Ảnh: Stars and Stripes |
Mặc dù Nga cho rằng tên lửa 9M729 không bay quá giới hạn tầm bắn 500km của INF và phù hợp với Hiệp ước này, nhưng năm 2017, Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASIC) thuộc Lực lượng Không quân Hoa Kỳ, công bố tầm bắn tối đa của tên lửa lên tới 2.500km.
Theo Missilethreat, vào tháng 2/2017, các quan chức Mỹ báo cáo rằng Nga đã triển khai 2 tiểu đoàn tên lửa SSC-8. Mỗi tiểu đoàn bao gồm 4 bệ phóng, và mỗi bệ phóng được cung cấp ước tính 6 tên lửa. Tính đến tháng 12/2018, Nga đã sản xuất khoảng gần 100 tên lửa SSC-8.
Sự phát triển của SSC-8 đã thúc đẩy Hoa Kỳ năm 2019 rút khỏi Hiệp ước INF 1987. Cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước INF, ngày 19/10/2018, Tổng thống Trump thông báo Hoa Kỳ có kế hoạch rút khỏi Hiệp ước INF (chính thức rút khỏi hiệp ước vào ngày 2/8/2019).
|
|
Tên lửa 9M729 có chiều dài 6-8m, đường kính 0,53 m, đầu đạn 450kg. Ảnh: Reuters/Sergei Karpukhin. |
Đầu tháng 10/2018, tờ Stars and Stripes viết, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tuyên bố, Nga phải ngừng phát triển hệ thống tên lửa có khả năng hạt nhân nếu không Mỹ sẽ buộc phải phát triển các hệ thống vũ khí mới để chống lại mối đe dọa này. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biế,t hệ thống tên lửa này của Nga đang gây nguy hiểm cho Hiệp ước hạt nhân hơn 30 năm tuổi giữa Washington và Moscow, vốn từ lâu được coi là nền tảng cho sự ổn định ở châu Âu.
Ông Stoltenberg cảnh báo, NATO sẽ đáp trả bằng việc nghiên cứu các hệ thống phòng không chống tên lửa, trên các loại vũ khí thông thường, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng quân sự.
Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn INF là một thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, được ký bởi Mikhail Gorbachev và Ronal Reagan vào ngày 8/12/1987 (có hiệu lực từ ngày 1/6/1988), tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Xô ở Washington. Hiệp ước cho phép loại bỏ cả một nhóm vũ khí: tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn có tầm bắn từ 500- 5.500km.