Lầu Năm Góc được cho là đã đề xuất Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai thêm 5.000 binh sĩ tới Đông Âu. Đề xuất triển khai quân trong bối cảnh Washington và phương Tây tuyên bố Ukraine đang đối mặt với nguy cơ bị Nga "xâm lược", điều mà Moscow đã nhiều lần bác bỏ.

NATO đã thông báo đang đặt quân đội liên minh trong tình trạng sẵn sàng cùng với việc gửi thêm tàu chiến và máy bay đến Đông Âu. Theo tuyên bố của khối này, động thái được thúc đẩy bởi Nga được cho là tiếp tục "tập trung quân sự trong và xung quanh Ukraine".

"NATO sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ và phòng thủ cho tất cả các đồng minh, bao gồm cả việc củng cố phần phía đông của liên minh. Chúng tôi luôn sẵn sàng phản ứng với bất kỳ diễn biến xấu đi nào của môi trường an ninh của chúng tôi, bao gồm cả việc tăng cường khả năng phòng thủ tập thể trong liên minh.", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Đan Mạch, Tây Ban Nha và các lực lượng hải quân liên minh khác sẽ gửi tàu chiến đến Biển Baltic. Hai quốc gia này cũng như Hà Lan cũng sẽ gửi máy bay chiến đấu đến Litva và Bulgaria. Trong khi Pháp đã bày tỏ sự sẵn sàng gửi thêm quân đến Romania.

leftcenterrightdel
Tàu NATO trong cuộc tập trận ‘Sea Breeze 21’ ở Biển Đen ngày 9/7/2021. Ảnh: AP/ Efrem Lukatsky. 

Các quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Tổng thống Joe Biden vào ngày 23/1 về các phương án mà ông có thể thực hiện để ngăn chặn bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga đối với Ukraine. 

The New York Times dẫn lời giới chức Washington nói, một trong những phương án sẽ gửi từ 1.000 - 5.000 quân đến Đông Âu, trong khi ở tình huống cần thiết, quân số sẽ tăng gấp 10 lần, lên đến 50.000 binh sĩ Mỹ.

Trong hai tháng qua, Nga đã liên tục bác bỏ cáo buộc của các chính trị gia và truyền thông phương Tây nói Moscow có kế hoạch xâm lược Ukraine. Nga cũng phản bác chỉ trích của phương Tây về cáo buộc Moscow tái triển khai quân đội sát biên giới Ukraine.

Điện Kremlin nhấn mạnh, việc di chuyển quân đội trong lãnh thổ đất nước là quyền chủ quyền của nước này; lưu ý, binh sĩ của NATO ở Đông Âu đã tăng đều trong vài thập kỷ qua, bất chấp những phản đối từ Moscow. 

Nga, NATO và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán an ninh vào đầu tháng này, trong đó Điện Kremlin đưa ra các đề xuất của mình về biện pháp chấm dứt căng thẳng đang gia tăng và giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh trong khu vực. Phương Tây bác bỏ các đề xuất quan trọng, như việc ngừng mở rộng liên minh về phía đông, tuy nhiên cho rằng hai bên cần  tiếp tục duy trì đối thoại.

Văn Phong/Sputnik