Ngày 17/12, giờ Mỹ, tờ The Drive dân nguồn từ Không quân Mỹ nói, vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh AGM-183A hôm 15/12 đã thất bại mà chưa xác định nguyên nhân khiến cuộc thử nghiệm bị bỏ dở. Tên lửa đã không rời khỏi cánh của máy bay ném bom B-52H sau lệnh phóng.  

"Vào ngày 15/12, Không quân đã cố gắng thực hiện chuyến bay thử nghiệm tên lửa đẩy của vũ khí phản ứng nhanh phóng trên không (ARRW) AGM-183A từ một chiếc B-52 Stratofortress. Lệnh phóng đã bị hủy trước khi phóng mà chưa xác định nguyên nhân. Tên lửa sẽ được đưa về để phân tích dữ liệu trước khi cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiến hành sớm nhất.”, tướng Heath Collins, Giám đốc Điều hành Chương trình Vũ khí Không quân Mỹ, tiết lộ.

leftcenterrightdel
Tên lửa siêu thanh AGM- 183A được mang bởi máy bay ném bom chiến lược B-52. Ảnh: Thedrive.

Đây là vụ thử thứ 3 của Không quân Mỹ đối với tên lửa siêu thanh AGM-183A. Mục tiêu chính của cuộc thử nghiệm lần này để đánh giá khả năng hoạt động của tên lửa đẩy. Không quân Mỹ đã hy vọng thực hiện thành công 3 cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa đẩy trong năm nay trước khi bắt đầu gắn phương tiện lướt siêu vượt âm để thử nghiệm.

Vụ thử thứ hai tiến hành vào tháng 7 được đánh giá đã thành công một phần. Mặc dù động cơ đẩy tên lửa không kích hoạt như dự định, tuy nhiên vũ khí đã tách khỏi máy bay thành công.

leftcenterrightdel
Tên lửa siêu thanh AGM-183A nằm dưới cánh một chiếc B-52. Ảnh: Không quân Mỹ.

Lần thử đầu tiên được thực hiện vào tháng 4, giống như lần thứ 3, tên lửa vẫn nằm dưới cánh của chiếc B-52H sau lệnh phóng và vụ thử phải hủy bỏ.

Theo thiết kế, ARRW sử dụng tên lửa để đẩy đưa vũ khí lên một tốc độ và độ cao được chỉ định, sau đó phương tiện lướt siêu vượt âm không động cơ tách ra và lao tới mục tiêu với tốc độ siêu âm, tối thiểu trên Mach 5.

leftcenterrightdel
Khi được tên lửa đẩy đưa lên một tốc độ và độ cao được chỉ định, phương tiện lướt siêu vượt âm tách ra và lao tới mục tiêu với tốc độ siêu âm. Ảnh: Lockheed Martin. 

Quá trình bay trong khí quyển, phương tiện có mức độ cơ động cao, cho phép nó thay đổi hướng và tốc độ linh hoạt khiến đối thủ cực kỳ khó phát hiện, theo dõi hoặc phản ứng lại, chưa nói đến việc phòng thủ.

Thất bại thứ ba liên tiếp đối với chương trình ARRW của Không quân Mỹ là dấu hiệu đáng ngại. Bộ trưởng Không quân Mỹ, Frank Kendall, mặc dù xác nhận đã đạt được một số tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực, tuy nhiên bày tỏ không hài lòng với tiến độ chương trình khi mà nhiều đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Nga, cho thấy đang đi trước Mỹ về vũ khí siêu thanh.

Văn Phong/Thedrive