Thử nghiệm đầu tiên thất bại

Chương trình vũ khí siêu thanh của Không quân Hoa Kỳ đã không xuôi chèo mát mái trong lần bắn thử đầu tiên hôm 5/4, khi nó không được phóng từ một máy bay ném bom B-52H Stratofortress như dự định, CNN đưa tin.

"B-52H Stratofortress cất cánh hôm 5/4 từ Căn cứ Không quân Edwards, California với ý định bắn thử vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A. Thế nhưng, tên lửa thử nghiệm đã không thể hoàn thành quy trình phóng và vẫn ở trên máy bay khi nó trở lại căn cứ Edwards.", Không quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Mỹ được xem là tụt hậu trong công nghệ vũ khí siêu thanh khi mà các đối thủ Nga và Trung Quốc từ mấy năm trước đã tuyên bố những thành quả của riêng mình trong lĩnh vực này. Đây là lí do Washington đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua vào thời điểm căng thẳng toàn cầu gia tăng. Vụ thử nghiệm thất bại, chính bởi vậy được coi là một bước lùi đối với Mỹ.

leftcenterrightdel
Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A đang được Mỹ phát triển. Ảnh: Lockheed Martin. 

Giám đốc điều hành Chương trình vũ khí của không quân Mỹ, Heath Collins, an ủi, dù vụ thử thất bại, nhưng đã giúp cung cấp thông tin và kinh nghiệm quan trọng để chương trình vũ khí này tiếp tục được phát triển hoàn thiện.

AGM-183A cung cấp khả năng tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, một cách nhanh chóng. Vũ khí dự kiến sẽ sẵn sàng để triển khai trong vài năm tới. Bài kiểm tra đặc biệt nhằm mục đích chứng minh khả năng đạt được tốc độ siêu âm của ARRW.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang nhắm tới việc phát triển một tên lửa siêu thanh có thể di chuyển với tốc độ gấp 20 lần tốc độ âm thanh, xấp xỉ tốc độ mà Tàu con thoi di chuyển khi quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất. 

Đối phó với tên lửa siêu thanh Nga

Nga và Trung Quốc đều đang phát triển các chương trình vũ khí siêu thanh và đều tuyên bố những thử nghiệm thành công. Ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giới thiệu một trong 6 vũ khí chiến lược mới của nước này: Avangard, phương tiện lượn siêu vượt âm đầu tiên được chế tạo thành công trên thế giới, có tốc độ lên tới Mach 20- Mach 27, tùy độ cao.

leftcenterrightdel
AGM-183A được tích hợp vào máy bay ném bom B-52H. Ảnh: Lockheed Martin. 

Với tốc độ khủng khiếp, quỹ đạo linh hoạt và có thể bay ở độ cao thấp, khiến các hệ thống phòng không không thể đối phó, các tướng lĩnh Lầu Năm Góc lo ngại các vũ khí này làm phức tạp khả năng cung cấp cảnh báo chính xác của Mỹ.

Vào tháng 3, tướng Glen VanHerck, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Hoa Kỳ, đã cảnh báo, các tên lửa siêu thanh của đối thủ có thể "thách thức khả năng của chúng tôi trong việc đưa ra các cảnh báo và đánh giá đòn tấn công có thể hành động".

leftcenterrightdel
Mỹ đang nỗ lực phóng tên lửa siêu thanh AGM-183A từ B-52H Stratofortress. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ. 

Năm ngoái, cựu quyền Bộ trưởng Hải quân Thomas Modly cho biết vũ khí siêu thanh đã làm “thay đổi cuộc chơi”, giống như công nghệ hạt nhân đã làm trong thế kỷ trước; đồng thời cảnh báo rằng chúng có thể gây mất ổn định môi trường an ninh toàn cầu và gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Mỹ.

So sánh tên lửa siêu thanh với việc Nga phóng vệ tinh Sputnik trước Hoa Kỳ, ông Modly kêu gọi quân đội đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển vũ khí tương tự làm đối trọng. 

Theo một nghiên cứu mới do Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ Mỹ (GAO) công bố, Washington hiện có 70 chương trình vũ khí siêu thanh khác nhau trị giá 15 tỷ USD, được chi trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2015 đến 2024, theo Aerotime Hub.

Huy Anh