Phải mất mất tới 14 năm để dọn sạch tàn dư bom mìn chiến tranh!
Hôm 2/5, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA), cho biết, có khoảng hơn 10.000 người được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở Gaza sau gần 7 tháng xung đột tàn khốc tại đây.
Dẫn thông tin từ Cơ quan Phòng vệ dân sự Palestine ở Gaza, OCHA cho biết, việc thu hồi các thi thể từ đống đổ nát là một thách thức lớn do thiếu phương tiện máy ủi, máy xúc và nhân lực.
Theo OCHA, với các phương tiện thô sơ mà Cơ quan Phòng vệ dân sự Palestine có trong tay, có thể mất tới 3 năm để hoàn thành việc thu hồi các thi thể.
|
|
Sự tàn phá cơ sở hạ tầng, nhà cửa của cuộc chiến ở Gaza tạo ra hàng chục triệu tấn mảnh vụn. Ảnh: euromedmonitor.org |
Trong khi đó nhiệt độ tăng cao đang đẩy nhanh quá trình phân hủy thi thể, có khả năng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trong lời kêu gọi chấm dứt tình trạng thù địch, khởi phát bởi cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023 khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người bị bắt làm con tin, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Catherine Russell, nhấn mạnh “cơn ác mộng” phải chấm dứt.
Trong bối cảnh ngày càng lo ngại về một chiến dịch quân sự toàn diện của Israel ở Rafah, thành phố cực nam Dải Gaza, giáp biên giới với Ai Cập, mà các quan chức hàng đầu Israel nhiều lần tuyên bố, bà Russell lưu ý, hơn 200 ngày chiến tranh đã giết chết và làm bị thương hàng chục nghìn trẻ em ở Gaza.
|
|
Ước tính có khoảng 10.000 thi thể bị chôn vùi dưới các đống đổ nát. Ảnh: UNDP. |
Theo bà Russell, gần như tất cả 600.000 trẻ em hiện đang trú ẩn ở Rafah đều trong tình trạng thương tổn, ốm đau hoặc suy dinh dưỡng.
Sau khi quân đội Israel rút quân khỏi thành phố Khan Younis, nam Gaza vào tháng trước, ngày 10/4, một báo cáo của phái đoàn đánh giá của LHQ nói, trên mặt đất còn rất nhiều vũ khí chưa nổ.
Có những quả bom nặng tới nửa tấn cũng được tìm thấy nằm trên các giao lộ chính và bên trong trường học.
Các nỗ lực do LHQ dẫn đầu đang được thực hiện nhằm đảm bảo các khu vực an toàn cho người dân Gaza quay trở lại Khan Younis, bao gồm đánh giá thiệt hại tại các cơ sở thuộc Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) và lập bản đồ các khu vực có nguy cơ cao chứa mảnh đạn và vật liệu chưa nổ.
|
|
Một thành viên của đội xử lý bom di chuyển rốc két đã vô hiệu hóa của Israel ra khỏi khu dân cư. Ảnh: Hosam Salem/Al Jazeera. |
Để giảm thiểu rủi ro, Cơ quan Hành động bom mìn LHQ (UNMAS) đã tiến hành chương trình nâng cao nhận thức hướng tới khoảng 1,2 triệu người ở Gaza, thông qua mạng xã hội, tin nhắn trên điện thoại di động và tờ rơi.
UNMAS cũng nỗ lực kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế để loại bỏ tàn dư bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Các chuyên gia UNMAS ước tính, khoảng 7.500 tấn bom mìn chưa nổ đang rải rác khắp Gaza và có thể mất tới 14 năm để dọn sạch.
Phải đến năm 2040 mới có thể xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy!
Một báo cáo mới đây của Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) và Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á (ESCWA), cho biết, ít nhất 370.000 đơn vị nhà ở ở Gaza đã bị hư hại, trong đó có 79.000 đơn vị bị phá hủy hoàn toàn, tạo ra khoảng 37 triệu tấn mảnh vụn, có khả năng chứa khoảng 800.000 tấn amiăng và các chất gây độc hại khác.
Sau các cuộc xung đột Israel-Hamas năm 2014, nhà ở được tái thiết với tốc độ 992 căn mỗi năm. Báo cáo của UNDP cho biết, ngay cả khi Israel cho phép tăng gấp 5 lần vật liệu xây dựng vào Gaza, thì phải đến năm 2040 mới có thể xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy, chưa tính đến việc sửa chữa những ngôi nhà bị hư hại.
|
|
Một nhóm của LHQ kiểm tra một quả bom nặng 500 kg chưa nổ trên trục đường chính ở TP Khan Younis, Gaza. Ảnh: UNOCHA/Themba Linde. |
Trước đó, đánh giá thiệt hại tạm thời chung của Ngân hàng Thế giới và LHQ ước tính thiệt hại trực tiếp đối với cơ sở hạ tầng của Gaza là 18,5 tỉ USD, tính đến tháng 1/2024
Giám đốc UNDP, Achim Steiner, cảnh báo, cuộc chiến nếu tiếp diễn sẽ gây ra những tổn thất to lớn và phức tạp cho người dân Gaza và tất cả người Palestine, trước mặt cũng như lâu dài.
“Mức độ tổn thất về người và cơ sở hạ tầng chưa từng có và tỉ lệ nghèo đói gia tăng nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn như vậy sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng phát triển nghiêm trọng, hủy hoại tương lai của các thế hệ mai sau.”, ông Steiner nói.
|
|
Trẻ em Palestine ở Gaza chơi đùa trên quả bom MK84 nặng 1.000kg của Israel đã được vô hiệu hóa. Ảnh: Hosam Salem/Al Jazeera. |
UNDP đánh giá, nếu xung đột kéo dài 7 tháng, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Gaza sẽ tụt giảm xuống mức 0,582, thụt lùi hơn 37 năm, tương đương mức năm 1987. Nếu cuộc xung đột kéo dài 8 tháng, chỉ số HDI ở Gaza dự báo xuống mức 0,556, tụt lùi tới 40 năm, tương đương mức năm 1984.
Thư ký Điều hành ESCWA, bà Rola Dashti, nhấn mạnh mức độ tàn phá chưa từng có ở Gaza, lưu ý rằng, tương lai khu vực này có thể sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
“Không giống như các cuộc chiến trước đây, sự tàn phá ở Gaza hiện nay có quy mô và phạm vi chưa từng có và cùng với việc mất nhà cửa, sinh kế, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng cũng như năng lực thể chế, có thể có tác động sâu sắc và mang tính hệ thống trong nhiều thập kỷ tới.”, bà Dashti nói.
Theo cơ quan y tế Gaza, tính đến 1/5, ít nhất 34.560 người Palestine đã thiệt mạng, 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em; khoảng 77.765 người khác bị thương.
Không rõ 10.000 thi thể mà OCHA ước tính đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát có nằm trong số những người thiệt mạng, hay thuộc diện mất tích.