Tấn công trở lại trên khắp Gaza

Trong cuộc họp báo hôm 3/12, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Daniel Hagari cho biết, trong một cuộc không kích trước đó cùng ngày, máy bay chiến đấu của IDF đã tấn công và giết chết Haitham Khuwajari, chỉ huy Tiểu đoàn Shati của nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas tại Gaza, người chịu trách nhiệm thực hiện cuộc đột kích gây ra vụ thảm sát ở miền Nam Israel ngày 7/10 và là chỉ huy của Hamas ở khu vực Al-Shati, phía bắc Dải Gaza.

Tại cuộc họp báo, ông Hagari cũng cho biết IDF đang nối lại và mở rộng hoạt động trên bộ nhằm vào các thành trì của Hamas trên khắp Dải Gaza, thay vì chủ yếu tập trung vào phía bắc dải đất như trước.

Lực lượng mặt đất Israel được không quân hỗ trợ từ trên không với các cuộc không kích nhằm vào trụ sở, cơ sở sản xuất vũ khí, đường hầm và địa điểm phóng rốc két của Hamas.

leftcenterrightdel
 Dải Gaza hứng chịu đợt tấn công mới, ngày 3/12. Ảnh: Menahem Kahana / AFP / Getty.

Theo hãng thông tấn Palestine Wafa, các ngày 2 và 3/12, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công mới vào trại tị nạn Jabalya lớn nhất ở Gaza.

Người phát ngôn Bộ Y tế Gaza cho biết, một số người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương do cuộc không kích của Israel.

Người dân cho biết, các cuộc ném bom từ máy bay chiến đấu và pháo binh cũng tập trung vào các thành phố Khan Younis và Rafah ở phía nam Gaza. Các bệnh viện vốn đang kiệt quệ và quá tải đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương mới.

Trước đó, Israel đã đưa ra cảnh báo yêu cầu cư dân các khu  vực Jabalia, Al-Shuja'iya, Al-Zaytoun và thành phố Gaza lập tức sơ tán để bảo đảm an toàn.

leftcenterrightdel
 Người Palestine đổ ra đường và các bãi đất trống mong được an toàn. Ảnh: Reuters.

Trong khi Israel và nhóm Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon đang giao tranh ở khu vực biên giới ngày thứ ba liên tiếp, sau khi thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza kết thúc.

Trong một phát biểu được phát trên kênh truyền hình Kan của Israel hôm 3/12, người đứng đầu Cơ quan an ninh nội địa Israel, Ronen Bar, tuyên bố, Israel quyết tâm truy lùng, loại bỏ Hamas ở Gaza, Israel, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và khắp nơi trên thế giới, dù phải mất nhiều năm.

Trong bài phát biểu tối 2/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Tel Aviv sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu và không thể đạt được những mục tiêu đó nếu không có hoạt động trên bộ.

Yêu cầu một lệnh ngừng bắn mới!

Ngày 3/12, trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani, nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm leo thang xung đột tiến tới một lệnh ngừng bắn mới.

Thủ tướng Qatar bày tỏ lo ngại việc tiếp tục ném bom ở Dải Gaza sau lệnh ngừng bắn nhân đạo sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực hòa giải và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ông Al-Thani cho biết, Qatar kịch liệt lên án mọi hình thức nhắm mục tiêu vào dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; nhấn mạnh, những hành động như vậy, bao gồm cả chính sách trừng phạt tập thể, là không thể chấp nhận được.

leftcenterrightdel
 Xe tăng của Israel diễn tập gần biên giới với Gaza ngày 3/12. Ảnh: Menahem Kahana/AFP/Getty.

Ông Al-Thani nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết trong việc mở các hành lang nhân đạo để đảm bảo việc vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân Palestine bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang diễn ra một cách an toàn; đồng thời tái khẳng định cam kết của nước này, cùng với các đối tác hòa giải, nỗ lực không ngừng nhằm khôi phục lại sự bình yên cho khu vực. 

Cùng ngày, Đức Giáo hoàng Francis cũng bày tỏ đau đớn khi thấy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas tan vỡ, đồng thời bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan có thể đạt được một lệnh ngừng bắn mới càng sớm càng tốt.

leftcenterrightdel
 Israel thực hiện chiến dịch trên bộ trên khắp Gaza. IDF.

“Thật đau đớn khi thỏa thuận ngừng bắn đã bị tan vỡ. Điều này có nghĩa là chết chóc, sự hủy diệt và đau khổ. Nhiều con tin đã được giải thoát nhưng nhiều người vẫn còn ở Gaza. Chúng tôi nghĩ đến họ, đến gia đình họ, những người đã nhìn thấy ánh sáng, hy vọng được ôm lấy những người thân yêu của họ một lần nữa.”, Đức Giáo hoàng Francis nói trong buổi cầu nguyện hôm 3/12.

“Ở Gaza có rất nhiều đau khổ, thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản. Tôi hy vọng rằng tất cả những bên liên quan có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới càng sớm càng tốt.”, Đức Giáo hoàng nói, bày tỏ hy vọng các bên tìm ra “các giải pháp khác ngoài vũ khí”.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh tàn phá do các cuộc không kích mới của Israel gây ra tại Khan Younis, Gaza. Ảnh: Ahmad Hasaballah / Getty.

Cũng hôm 3/12, Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã kêu gọi cả hai bên trong cuộc xung đột Israel- Hamas tuân thủ luật pháp quốc tế và cho phép viện trợ nhân đạo được chuyển đến Dải Gaza đang bị bao vây.

“Về quyền tiếp cận nhân đạo, luật pháp không cho phép có sự nghi ngờ.”, Công tố viên ICC Karim Khan cho biết sau chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới các địa điểm xảy ra vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas ở Israel và tới chính quyền Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

leftcenterrightdel
 Chiến dịch trên bộ của Israel được hỗ trợ từ trên không. IDF.

“Người dân phải được tiếp cận với thực phẩm, nước uống và các vật tư y tế thiết yếu, không chậm trễ hơn nữa, với tốc độ và quy mô.”, ông Khan tuyên bố, thêm rằng, Hamas không được sử dụng sai mục đích nguồn viện trợ này.

“Tất cả các bên phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế. Nếu không làm như vậy, đừng phàn nàn khi văn phòng của tôi được yêu cầu phải hành động.”, ông Khan lưu ý.

Phát biểu với báo chí bên lề hội nghị khí hậu COP28 ở Dubai hôm 2/12, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris nói: “Quá nhiều người Palestine vô tội đã thiệt mạng. Thành thật mà nói, quy mô đau khổ của dân thường cũng như những hình ảnh và video đến từ Gaza là rất tàn khốc”.

VawnPhong/CNN, Reuters, Dailysabah