Ai sẽ quản lý Gaza hậu xung đột?

Hôm 9/11, tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức cấp cao của Ai Cập đưa tin, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về khả năng Cairo quản lý an ninh ở Dải Gaza hậu xung đột, khi nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas tại đây bị Israel đánh bại.

Trước đó ông Al-Sisi và Giám đốc tình báo Ai Cập Abbas Kamal đã gặp Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns ở Cairo và thảo luận về đề xuất của Mỹ.

“Tổng thống Ai Cập cho biết chính phủ của ông sẽ không đóng vai trò trong việc loại bỏ Hamas vì họ cần nhóm chiến binh này giúp duy trì an ninh ở biên giới của đất nước với Dải Gaza.”, tin nói.

Mỹ và một số nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra lo ngại việc ai sẽ cai trị Gaza hậu xung đột Hamas- Israel, khi xác định “không có chỗ cho Hamas và Israel cũng không thể tái chiếm đóng Dải Gaza”.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi bác bỏ đề xuất của Mỹ về khả năng Cairo quản lý an ninh ở Dải Gaza hậu xung đột. Ảnh: Reuters.

Hôm 1/11, các thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen và Richard Blumenthal xác nhận, Washington đang thảo luận bước đầu khả năng gửi lực lượng đa quốc gia đến Dải Gaza trong giai đoạn chuyển tiếp, sau khi loại bỏ phong trào Hồi giáo Palestine Hamas tại đây; lưu ý, lực lượng này sẽ không bao gồm quân đội Mỹ.

Thượng nghị sĩ Blumenthal lưu ý, trong chuyến thăm Israel vào tháng 10, phái đoàn Quốc hội Mỹ đã thảo luận về khả năng đưa lực lượng vũ trang Ả Rập Saudi vào thành phần lực lượng quốc tế này, bao gồm vai trò hỗ trợ chính quyền Palestine trong việc quản trị và tái thiết Gaza, cũng như hướng tới một nhà nước độc lập.

Trong khi hôm 6/11, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với ABCNews, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, nước này có thể tiếp tục chịu trách nhiệm về an ninh ở Gaza “trong một thời gian không xác định”.

Ông Netanyahu giải thích, nếu lực lượng Israel không tiếp tục hiện diện ở Gaza sau khi loại bỏ Hamas, nhóm này sẽ lại trỗi dậy.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Israel tái chiếm đóng Gaza “không phải là điều đúng đắn”. Ảnh: Leah Millis/ Reuters.

Mỹ bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Israel. Washington cho rằng, Hamas khó có thể bị loại bỏ hoàn toàn, và như việc, việc Israel tiếp tục hiện diện tại Gaza sẽ là bất ổn.

Hôm 7/11, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, John Kirby, cho biết, Tổng thống nước này Joe Biden không ủng hộ việc Israel chiếm đóng quân sự ở Dải Gaza sau khi chiến tranh Israel-Hamas kết thúc.

Ông Biden tin rằng, việc Israel tái chiếm đóng Gaza “không phải là điều đúng đắn”.

Vào tháng trước, trong cuộc phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của CBS, ông Biden đã cảnh báo rằng, việc Israel chiếm đóng Gaza sẽ là một “sai lầm lớn”. 

Hôm 8/11, trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 ở Tokyo, cùng với việc thể hiện sự nhất trí về một phản ứng thống nhất đối với cuộc chiến ở Gaza, bao gồm kêu gọi “tạm dừng nhân đạo”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đặt ra các yêu cầu ngoại giao cần thiết để bắt đầu con đường hướng tới “hòa bình và an ninh lâu dài” tại Gaza hậu xung đột.

leftcenterrightdel
 Nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội Israel đang ở sâu trong Dải Gaza. Nguồn: IDF.

“Mỹ tin rằng các yếu tố then chốt nên bao gồm việc không cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza, không phải bây giờ, không phải sau chiến tranh. Không sử dụng Gaza làm địa bàn cho khủng bố hoặc các cuộc tấn công bạo lực khác. Không tái chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc. Không có nỗ lực phong tỏa hoặc bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ của Gaza. Chúng tôi cũng phải đảm bảo không có mối đe dọa khủng bố nào có thể xuất phát từ Bờ Tây.”, ông Blinken nói với truyền thông.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý việc quản trị Gaza sau xung đột phải lấy tiếng nói và nguyện vọng của người Palestine làm trung tâm và chứng kiến Gaza hợp nhất với Bờ Tây bị chiếm đóng, dưới sự quản lý của chính quyền dân tộc Palestine.

Yêu cầu ngừng bắn

Hôm 9/11, các nguồn tin Mỹ và Israel cho biết, Tel Aviv đã nhất trí tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo mà Israel gọi là “tạm dừng chiến thuật cục bộ”. Theo đó  sẽ có 4 tiếng “tạm dừng” mỗi ngày với 2 hành lang nhân đạo được mở để người Palestine ở Gaza sơ tán khỏi khu vực xung đột, đồng thời để đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào dải đất.

leftcenterrightdel
 Khung cảnh hoang tàn chết chóc ở thành phố Gaza hiện nay. Ảnh: Ali Jadallah / Anadolu.

Trước đó hôm 8/11, trong một tuyên bố chung sau cuộc thảo luận tại Tokyo, Nhật Bản, các Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng với Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ ủng hộ việc tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo trong cuộc xung đột Israel-Hamas nhưng từ chối kêu gọi ngừng bắn.

“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng xấu đi ở Gaza... chúng tôi ủng hộ việc tạm dừng giao tranh và tạo dựng các hành lang nhân đạo để tạo điều kiện cho những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, sơ tán dân sự và giải phóng con tin.”, tuyên bố chung nói.

Trong khi các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ trước sau vẫn yêu cầu một lệnh ngừng bắn lập tức.

Hôm 7/11, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar, tuyên bố, nước này sẽ không thảo luận về bất kỳ dự án nào liên quan đến năng lượng với Israel nếu không có lệnh ngừng bắn ở Gaza, “vì điều đó sẽ là thiếu tôn trọng đối với những người anh em Palestine đang phải trải qua sự tàn bạo tột độ”.

leftcenterrightdel
 Người Palestine đang tiếp tục tháo chạy từ phía bắc Gaza về phía nam. Ảnh: Hatem Moussa / AP .

Ông Bayraktar nhấn mạnh, điều duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ nói đến lúc này là làm thế nào họ có thể đáp ứng khẩn cấp nhu cầu điện, nước và thực phẩm của người dân Gaza.

Hôm 9/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhắc lại những lời chỉ trích của ông đối với Israel và phương Tây trong bối cảnh xung đột Palestine-Israel tiếp tục leo thang khiến gần 11.000 Palestine thiệt mạng, trong đó hơn 70% là trẻ em và phụ nữ.

Ông Erdogan đã kêu gọi thế giới Hồi giáo hành động để ngăn chặn đổ máu ở Gaza. “Khi nào người Hồi giáo sẽ lên tiếng, nếu không phải bây giờ?”, ông Erdogan nói.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này đã chuyển 10 chuyến máy bay hàng viện trợ, tổng cộng hơn 230 tấn cho người dân ở Gaza và việc này sẽ tiếp tục được thực hiện. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gửi nhiều máy phát điện tới cửa khẩu Rafah để chuyển tới Gaza.

Trước những chỉ trích về việc dân thường, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em Palestine ở Gaza bị giết hại, sáng ngày 10/11, viết trên trang cá nhân, Tổng thống Mỹ Biden lưu ý, Israel đang chiến đấu với một kẻ thù nằm lẫn trong dân cư khiến những người dân Palestine vô tội gặp nguy hiểm. Do đó, Israel "có nghĩa vụ phải phân biệt những kẻ khủng bố với dân thường và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế".

Văn Phong (theo Alarabiya, Dailysabah)