Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 7/6, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho biết, ông đã nhận được thông báo chính thức về quyết định của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đưa quân đội Israel (IDF) vào “danh sách đen” toàn cầu những tổ chức phạm tội xâm phạm trẻ em năm 2023, bày tỏ “vô cùng sốc và phẫn nộ”.
Danh sách này có trong báo cáo về trẻ em và xung đột vũ trang hàng năm mà ông Guterres dự kiến đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 14/6.
“Điều này đơn giản là thái quá và sai trái.”, ông Erdan viết, đăng kèm đoạn video ghi lại cảnh ông nói chuyện qua điện thoại với Chánh Văn phòng Tổng thư ký LHQ.
Đại sứ Erdan nói rằng, quân đội của Israel là “đạo đức nhất thế giới” và quyết định của Tổng thư ký LHQ chỉ mang lại lợi ích cho nhóm vũ trang Hồi giáo Hamas.
|
|
Hình ảnh do Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan công bố liên quan đến cuộc gọi phản ứng với quyết định của LHQ. Nguồn: @giladerdan1. |
|
|
Một đứa trẻ Palestine chờ điều trị suy dinh dưỡng tại Bệnh viện Al-Aqsa ở Deir el-Balah, trung tâm Dải Gaza, ngày 30/5. Ảnh: Bashar Taleb/AFP. |
Ngoại trưởng Israel Israel Katz cũng chỉ trích quyết định của LHQ là “đáng xấu hổ”, “sẽ gây ra hậu quả cho mối quan hệ của Israel với LHQ”.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, Stephane Dujarric, gọi những lời lẽ trong đoạn video và việc phát hành một phần cuộc gọi trên mạng xã hội của Đại sứ Erdan, là gây sốc và không thể chấp nhận được và là điều ông chưa từng gặp trong 24 năm phục vụ tại cơ quan LHQ.
Báo cáo thường niên về trẻ em trong xung đột vũ trang tổng hợp “danh sách các bên tham gia vào hành vi xâm phạm trẻ em”, bao gồm giết hại và gây thương tích, bạo lực tình dục và tấn công vào trường học và bệnh viện.
Danh sách đen nhằm mục đích chỉ ra các bên có hành vi lạm dụng trẻ em và các quốc gia khác có thể sử dụng nó để hạn chế việc bán vũ khí cho những tổ chức này.
|
|
Trẻ em Palestine cùng gia đình chạy trốn khỏi Rafah, cực nam Dải Gaza, trước cuộc tấn công quân sự của Israel, ngày 28/5. Ảnh: Reuters /Hatem Khaled. |
|
|
Trẻ em Palestine tại Rafah, phía nam Dải Gaza chờ nhận thức ăn từ một bếp ăn từ thiện, ngày 13/2: Ảnh: Reuters/Ibraheem Abu Mustafa. |
Báo cáo được biên soạn bởi đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba. Danh sách kèm theo báo cáo nhằm mục đích cảnh báo các bên xung đột nhằm thúc đẩy họ thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em.
Danh sách này được chia thành hai nhóm: các bên đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ trẻ em và các bên chưa thực hiện. Ông Erdan cho biết, ông được thông báo rằng Israel đã bị đưa vào danh sách các bên chưa đưa ra các biện pháp thích hợp để bảo vệ trẻ em.
Quan chức cấp cao của Palestine, Riad Malki, hoan nghênh quyết định của LHQ, tuy lưu ý động thái này là quá chậm trễ.
“Giờ đây, đối mặt với thảm họa ở Gaza mà thế giới tận mắt chứng kiến với nạn diệt chủng, đặc biệt nhắm vào trẻ em và phụ nữ, Tổng thư ký LHQ không còn lý do gì để không đưa Israel vào danh sách đen.”, ông Malki nói.
|
|
Một cuộc tấn công của Israel nhắm vào trường học do LHQ điều hành, sử dụng làm nơi trú ẩn cho người Palestine ở trung tâm Dải Gaza, ngày 6/6, khiến 40 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ thiệt mạng/ UNRWA. |
|
|
Trẻ em Palestine bị suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế al-Awda ở Rafah, phía nam Dải Gaza ngày 1/4. Ảnh: Reuters /Mohammed Salem. |
Các nhóm nhân quyền đã lên án những thiệt hại nặng nề mà cuộc bắn phá và bao vây của Israel nhằm vào Gaza đã gây ra cho trẻ em Palestine.
Tháng trước, LHQ cho biết ít nhất 7.797 trẻ em đã thiệt mạng ở Gaza trong cuộc chiến kéo dài 8 tháng, trích dẫn dữ liệu về các thi thể được xác định từ cơ quan Y tế Gaza mà LHQ coi là đáng tin cậy. Theo văn phòng truyền thông chính quyền Gaza, hơn 36.700 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel kể từ ngày 7/10/2023, trong đó có 15.571 trẻ em.
Trong khi theo Hội đồng Quốc gia vì Trẻ em Israel, 38 trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam nước này ngày 7/10/2023. Hamas cũng bắt giữ khoảng 250 người Israel làm con tin, trong đó 42 trường hợp là trẻ em.
Các chuyên gia của LHQ cũng cho biết, những hạn chế của Israel trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến nhiều vùng lãnh thổ của dải đất phải đối mặt với nguy cơ nạn đói.
|
|
Trẻ em Palestine chờ nhận phần ăn từ thiện ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 5/3. Ảnh: Reuters/ Mohammed Salem. |
|
|
Việc thiếu thức ăn, nước uống kéo dài đang khiến trẻ em Gaza suy dinh dưỡng với tỷ lệ cao kỷ lục. Nguồn: UNRWA. |
Đầu tuần này, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, cứ 10 trẻ em Palestine ở Gaza thì có 9 em đang sống trong tình trạng suy dinh dưỡng, là một trong những tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận.
Thành viên Tổ chức Quốc tế về Bảo vệ trẻ em ở các vùng lãnh thổ Palestine (DCIP) cũng đã báo cáo về hậu quả thảm khốc mà cuộc tấn công quân sự liên tục của Israel vào Gaza đang gây ra cho trẻ em Palestine, trong đó có hàng nghìn trẻ em bị thương nặng kể từ tháng 10 năm ngoái.
DCIP cho biết, sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza đồng nghĩa với việc các bệnh nhân, bao gồm trẻ em, không thể nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.
Trong một tuyên bố hôm 5/6, ông Ayed Abu Eqtaish, quan chức cấp cao của DCIP, cho biết, những trẻ em Palestine sống sót sau các cuộc tấn công của Israel phải đối mặt với quá trình hồi phục suốt đời để chữa lành vết thương về thể chất và tâm lý.
Vào tháng 1, tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children cho biết, có hơn 10 trẻ em ở Gaza bị mất chân tay mỗi ngày.