Hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza
Hôm 8/11, trong một tuyên bố chung sau cuộc thảo luận tại Tokyo, Nhật Bản, các Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng với Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ ủng hộ việc tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo trong cuộc xung đột Israel-Hamas nhưng từ chối kêu gọi ngừng bắn.
“Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng xấu đi ở Gaza... chúng tôi ủng hộ việc tạm dừng giao tranh và xây dựng các hành lang nhân đạo để tạo điều kiện cho những hoạt động hỗ trợ khẩn cấp, sơ tán dân sự và giải phóng con tin.”, tuyên bố chung nói.
|
|
Ngoại trưởng các nước G7 trong cuộc gặp ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 7/11. Nguồn: Reuters. |
Tuyên bố cũng lên án nhóm Hồi giao vũ trang Hamas ở Gaza và ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel.
Trong khi G7 cũng cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột có khả năng kéo dài với Nga.
“Cam kết của chúng tôi về việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine không hề dao động, ngay cả khi tình hình ở Trung Đông ngày càng căng thẳng.”, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa phát biểu trong cuộc họp báo.
|
|
Lực lượng bộ binh Israel giao tranh với các chiến binh Hamas ở thành phố Gaza. Nguồn: IDF. |
Tại cuộc gặp với bà Kamikawa vào cuối ngày 7/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh sự hỗ trợ lâu dài của nhóm đối với Ukraine là một nội dung quan trọng trong nghị trình hội nghị của G7.
Theo kế hoạch, các Ngoại trưởng G7 có cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba vào ngày 8/11.
G7 đã đi đầu trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Trong động thái mới nhất nhằm vào nền kinh tế Nga, G7 đang cân nhắc các đề xuất áp đặt trừng phạt nhằm vào kim cương Nga.
Con đường hướng tới hòa bình lâu dài ở Gaza
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 ở Tokyo, cùng với việc thể hiện sự nhất trí về một phản ứng thống nhất đối với cuộc chiến ở Gaza, bao gồm kêu gọi “tạm dừng nhân đạo”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đặt ra các yêu cầu ngoại giao cần thiết để bắt đầu con đường hướng tới “hòa bình và an ninh lâu dài” tại Gaza hậu xung đột.
|
|
Quân đội Israel tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza. Nguồn: IDF. |
“Mỹ tin rằng các yếu tố then chốt nên bao gồm việc không cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza, không phải bây giờ, không phải sau chiến tranh. Không sử dụng Gaza làm địa bàn cho khủng bố hoặc các cuộc tấn công bạo lực khác. Không tái chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc. Không có nỗ lực phong tỏa hoặc bao vây Gaza. Không thu hẹp lãnh thổ của Gaza. Chúng tôi cũng phải đảm bảo không có mối đe dọa khủng bố nào có thể xuất phát từ Bờ Tây.”, ông Blinken nói với truyền thông.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý việc quản trị Gaza sau xung đột phải lấy tiếng nói và nguyện vọng của người Palestine làm trung tâm và chứng kiến Gaza hợp nhất với Bờ Tây bị chiếm đóng, dưới sự quản lý của chính quyền dân tộc Palestine.