Hôm 1/11, các thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen và Richard Blumenthal xác nhận, Washington đang thảo luận bước đầu khả năng gửi lực lượng đa quốc gia đến Dải Gaza sau khi loại bỏ phong trào Hồi giáo Palestine Hamas tại đây; lưu ý, lực lượng này sẽ không bao gồm quân đội Mỹ.

“Có những cuộc thảo luận đang diễn ra liên quan đến khả năng thành lập một lực lượng quốc tế… tuy nhiên vẫn chỉ là ý kiến sơ bộ và mong manh.”, ông Van Hollen nói với Politico, cho rằng, cần phải có một lực lượng đa quốc gia ở Gaza như giải pháp tình thế trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi thực hiện những bước đi tiếp theo.

leftcenterrightdel
 Miệng hố bom khủng giữa đống đổ nát tại trại tị nạn Jabalia, phía bắc Dải Gaza, ngày 1/11, sau cuộc tấn công của Israel.  Ảnh: Reuters/Mohammed Al-Masri.

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Blumenthal lưu ý, trong chuyến thăm Israel vào tháng 10, phái đoàn Quốc hội Mỹ đã thảo luận về khả năng đưa lực lượng vũ trang Ả Rập Saudi vào thành phần lực lượng quốc tế này, bao gồm vai trò hỗ trợ chính quyền Palestine trong việc quản trị và tái thiết Gaza, cũng như hướng tới một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, ông lưu ý, chưa hề nghe nói tới việc quân đội Mỹ sẽ tới Gaza như một phần của cuộc thảo luận.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Ben Cardin, người đã tới Trung Đông hồi tháng 10 cho biết, các nhà lập pháp đã thảo luận với các quan chức Israel về cách quản lý viện trợ và an ninh ở Gaza hậu chiến tranh. 

Ông Cardin cho biết ông ủng hộ ý tưởng về một lực lượng đa quốc gia, nhưng lưu ý sự nhạy cảm trong khu vực đối với quân đội Mỹ sẽ khiến họ không thể trở thành một phần chính của bất kỳ lực lượng nào như vậy.

leftcenterrightdel
 Thi thể của những người Palestine thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào trại tị nạn Jabalia, bắc Dải Gaza, ngày 31/10. Ảnh: Reuters.

“Nó phải tạo được sự tin cậy và có khả năng mang lại an ninh và thu hút sự tham gia của các quốc gia trong khu vực tin tưởng vào giải pháp hai nhà nước.”, ông Cardin nói.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel hôm 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, Israel đã đáp trả bằng cuộc tấn công tàn khốc, không ngừng nghỉ vào Gaza, với tuyên bố sẽ xóa sổ nhóm Hồi giáo vũ trang thống trị dải đất.

Cuộc tấn công của Israel đã vấp phải sự phản đối quốc tế rộng rãi do hàng nghìn dân thường, phần nhiều là trẻ em và phụ nữ bị giết hại, hạ tầng dân sự ở Gaza bị tàn phá. Theo Bộ Y tế Gaza, đến ngày 1/11, 8.796 người đã thiệt mạng, trong đó có 3.648 trẻ em.

Cựu phát ngôn viên Cơ quan Tị nạn dành cho người Palestine (UNRWA) của LHQ nói rằng, “chiến thắng quân sự” trước Hamas là không thể hoặc không khả thi, đồng thời cáo buộc các quốc gia phương Tây đã bật đèn xanh cho Israel tiếp tục cuộc chiến gây chết chóc ở Gaza.

Văn Phong (theo Politico, Sputnik)