Bức thư được ký bởi cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng về các vấn đề lập pháp, Naz Durakoglu, vốn được Reuters đề cập lần đầu ngày 17/3, thừa nhận mối quan hệ căng thẳng Washington- Ankara; đồng thời lưu ý, Ankara đã phải trả một cái giá đáng kể từ các biện pháp trừng phạt của Washington sau khi mua các hệ thống S-400 của Nga.

Bức thư nhấn mạnh, việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, cũng như sẽ phục vụ sự thống nhất lâu dài của NATO. Mặt khác, thương vụ vũ khí cũng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, trong mối quan hệ quốc phòng với Ukraine, trong bối cảnh khủng hoảng trong khu vực.

Bức thư của Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm phản hồi một lá thư ngày 4/2 của hơn 50 nhà lập pháp lưỡng đảng, dẫn đầu bởi nghị sĩ đảng Dân chủ Frank Pallone, hối thúc chính quyền Biden từ chối đề xuất của Ankara, trong đó có lý do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thiếu "gắn kết" với NATO và Ankara đã gây những tổn thương cho quan hệ song phương.

leftcenterrightdel
Thổ Nhĩ Kỳ đang có nhu cầu hiện đại hóa phi đội máy bay F-16 đã lỗi thời của Không quân nước này. Ảnh: Hurriyet. 

Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách đối tác cung cấp linh kiện, khỏi chương tình phát triển máy chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 vào năm 2019, sau khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Washington cũng đình chỉ hợp đồng cung cấp hơn 100 chiếc F-35 cho Ankara.

Giữa tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết, Mỹ đã đề xuất bán cho Thổ Nhĩ Kỳ một phi đội máy bay chiến đấu F-16 để đối trừ khoản tiền đặt cọc 1,4 tỉ USD mua F-35 và các cuộc đàm phán về vấn đề này đang diễn ra.

Trước đó, có tin nói Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ bán 40 máy bay chiến đấu F-16 do Lockheed Martin sản xuất và gần 80 bộ thiết bị hiện đại hóa phục vụ gói nâng cấp số F-16 lỗi thời hiện có của nước này. Thỏa thuận trị giá 6 tỉ USD.

leftcenterrightdel
Nga giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7/2019 tại sân bay quân sự Murted, Ankara. Ảnh: BQP Thổ Nhĩ Kỳ.  

Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hơn 200 chiếc F-16, là nhà khai thác F-16 lớn nhất trên thế giới và có kế hoạch loại biên máy bay này vào năm 2035. Gần 100 chiếc trong phi đội đang chờ nâng cấp, bao gồm cải tiến cấu trúc để kéo dài tuổi thọ cho các phiên bản Block 30 và 50s.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nghiên cứu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 bản địa đầu tiên TF-X với các tính năng tương tự như F-35, mục tiêu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023.

Washington cho đến nay vẫn dè dặt đưa ra ý kiến về thương vụ này, lưu ý, cần phải thực hiện quy trình bán vũ khí trong đó phải được sự chấp thuận của Quốc hội, nơi từng hơn một lần hối thúc chính quyền gây áp lực, cũng như thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Ankara, chủ yếu về vấn đề mua vũ khí của Nga.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tham quan máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Sukhoi Su-57 của Nga tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2019 ở Zhukovsky, Moscow, ngày 27/8/2019. Ảnh: Reuters.  

Trước những trở ngại từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra cảnh báo, trong trường hợp thỏa thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ thất bại, Ankara sẽ xem xét mua Su-57 và Su-35 của Nga.

Mối quan hệ đối tác giữa các đồng minh NATO đã trải qua những xáo trộn chưa từng có trong 5 năm qua vì những bất đồng trong nhiều vấn đề, bao gồm cả vấn đề Syria và mối quan hệ gần gũi hơn của Ankara với Moscow. Đây cũng là lý do khiến việc bán vũ khí của Mỹ cho đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ trở thành vấn đề.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/3, ông Erdogan bày tỏ, đã đến lúc dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt "bất công" đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara mong muốn yêu cầu cung cấp F-16 sẽ được hoàn tất càng sớm càng tốt.

Văn Phong (theo Reuters, DS)