Triều Tiên có quyền thực hiện tấn công phủ đầu nhằm vào các lực lượng chiến lược của Mỹ đang được triển khai tới Hàn Quốc, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin hôm 20/10.
Trước đó có thông tin máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã tiến hành tập trận trên vùng trời Bán đảo Triều Tiên và lần đầu tiên hạ cánh xuống lãnh thổ Hàn Quốc.
“Những phương tiện chiến lược đang được triển khai đến khu vực của địch sẽ trở thành đối tượng bị tiêu diệt đầu tiên. Thời kỳ mà quyền tấn công phủ đầu là “độc quyền” của Mỹ đã chấm dứt.”, KCNA cảnh báo.
Triều Tiên coi cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến diễn ra ngày 22/10 huy động cả máy bay ném bom chiến lược B-52 là “âm mưu” của Mỹ nhằm mục đích gây ra chiến tranh hạt nhân, hãng tin viết.
|
|
Bức ảnh do KCNA công bố ngày 28/3, cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang kiểm tra thứ dường như là những đầu đạn hạt nhân chiến thuật của nước này. Nguồn: Yonhap. |
Trước đó trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Burmistrov cho rằng, nguyên nhân chính khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên xuống dốc là do sự gia tăng hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc.
Washington và Seoul đang trông cậy vào việc sử dụng các biện pháp trừng phạt và gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy những cam kết hỗ trợ kinh tế, trong khi không tính đến những lo ngại chính đáng của Triều Tiên về phương diện an ninh.
Giải pháp cho vấn đề có thể là các sáng kiến Nga - Trung nhằm tạo ra một cấu trúc an ninh toàn diện và không thể chia cắt ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên những sáng kiến đó bị từ chối, khiến quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đi vào ngõ cụt và không có triển vọng tìm ra lối thoát trong giai đoạn này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố, vị thế của nước này với tư cách là một cường quốc hạt nhân thế giới là triệt để và không thể đảo ngược.
|
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang kiểm tra đầu đạn hạt nhân chiến thuật của nước này. Nguồn: Yonhap. |
Tuyên bố nhấn mạnh, các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ của Triều Tiên là quyền chủ quyền của nước này và là yếu tố cần thiết để bảo vệ quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, cũng như để kiểm soát tình hình ở khu vực Bán đảo Triều Tiên một cách ổn định trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh có những hành động quân sự “điên cuồng và mang tính khiêu khích”.
Nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã gia tăng mạnh mẽ, nó bị kích động, cùng với những nguyên nhân khác, bởi sự lôi kéo tiềm năng chiến lược của Mỹ vào khu vực, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Burmistrov nói.
Vào giữa tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kang Sun Nam nói rằng câu hỏi không phải là liệu có xảy ra chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên hay không mà là ai sẽ bắt đầu nó và khi nào.
Ông Burmistrov lưu ý việc lần đầu tiên kể từ năm 1981, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân Kentucky xuất hiện ở vùng biển Hàn Quốc và ghé cảng Busan của Hàn Quốc vào tháng 7.
“Các chuyến thăm của các nhóm tấn công tàu sân bay, các chuyến bay trong không phận trên Biển Nhật Bản của máy bay ném bom chiến lược và máy bay trinh sát đã trở nên thường xuyên hơn. Chúng ta cũng không thể bỏ qua việc thành lập nhóm cố vấn Mỹ- Hàn về các vấn đề hạt nhân, trong khuôn khổ nhóm này Washington và Seoul đang tiến hành đối thoại liên quan đến kế hoạch sử dụng “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ “trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Triều Tiên.”, ông Burmistrov nhấn mạnh.