Là lực lượng phòng thủ và ngăn chặn chiến tranh!
Tại kỳ họp ngày 7/9, Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA) khóa 14 CHDCND Triều Tiên đã thông qua Luật “Chính sách về Vũ khí hạt nhân”. Luật đã được ban hành ngày 8/9, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết trong một bản tin sáng ngày 9/9.
Văn kiện bao gồm 11 mục trong đó có các điều khoản về chức năng nhiệm vụ của vũ khí hạt nhân (VKHN), thành phần lực lượng hạt nhân; quyền chỉ huy và kiểm soát lực lượng này; việc đảm bảo thực thi các quyết định liên quan đến việc sử dụng VKHN, các nguyên tắc và điều kiện sử dụng VKHN,..
Theo luật, CHDCND Triều Tiên, với tư cách là một quốc gia hạt nhân, “phản đối tất cả các hình thức chiến tranh bao gồm cả chiến tranh hạt nhân và mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, trong đó công lý quốc tế được thực hiện”.
|
|
Lãnh đạo tối cao CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu khai mạc Đại hội WPK lần thứ 8. Ảnh: KCNA. |
Luật quy định, lực lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên “là phương tiện đắc lực để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích cơ bản của nhà nước, ngăn chặn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á, đồng thời đảm bảo sự ổn định chiến lược của thế giới”.
Luật cũng xác lập nhiệm vụ của các lực lượng hạt nhân Triều Tiên, trong đó quy định, đây là lực lượng chính của phòng thủ quốc gia, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tính mạng và sự an toàn của nhân dân trước sự đe dọa, xâm lược và tấn công của quân đội bên ngoài.
Nhiệm vụ chính của lực lượng này là “ngăn chặn một cuộc chiến tranh bằng cách làm cho các thế lực thù địch hiểu rằng, một cuộc đối đầu quân sự với CHDCND Triều Tiên sẽ dẫn đến sự hủy diệt, từ đó từ bỏ các âm mưu gây hấn và tấn công”.
Quy định về “Quyền chỉ huy và kiểm soát VKHN” (mục thứ ba) xác định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người duy nhất có quyền điều động và “đưa ra mọi quyết định liên quan đến VKHN”.
Chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tình huống nhất định
Luật “Chính sách về Vũ khí hạt nhân” của Triều Tiên xác định rõ nguyên tắc sử dụng VKHN, trong đó Bình Nhưỡng “coi sử dụng VKHN là phương tiện cuối cùng” để đối phó với sự xâm lược và tấn công từ bên ngoài, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của đất nước và an toàn của người dân.
Mặt khác quy định, Triều Tiên sẽ không đe dọa các quốc gia không có VKHN bằng VKHN, cũng như không sử dụng VKHN chống lại các quốc gia này, trừ khi họ cùng với các quốc gia có VKHN khác, tham gia gây hấn hoặc tấn công Bình Nhưỡng.
|
|
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới được chở trên bệ phóng kiêm xe vận tải cơ động TEL 11 trục, được coi là ICBM cơ động trên bộ lớn nhất của Triều Tiên từng được chế tạo. Ảnh: Twitter/Martyn Williams. |
Ngoài ra, Triều Tiên, với tư cách là quốc gia chịu trách nhiệm về VKHN, sẽ không triển khai vũ khí này trên lãnh thổ của các quốc gia khác; không chia sẻ, chuyển giao VKHN, công nghệ và thiết bị liên quan, cũng như nguyên liệu hạt nhân làm giàu ở cấp độ vũ khí.
Theo KCNA, các tình huống khiến CHDCND Triều Tiên sử dụng VKHN chỉ khi nước này bị tấn công, hoặc có mối đe dọa chắc chắn sẽ bị kẻ thù tấn công bằng VKHN hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; bị các lực lượng hạt nhân hoặc phi hạt nhân của kẻ thù tấn công ban lãnh đạo và chỉ huy lực lượng hạt nhân của đất nước; bị tấn công hủy diệt hay đe dọa tấn công hủy diệt các cơ sở chiến lược quan trọng của đất nước.
“Trong trường hợp hệ thống chỉ huy và quản lý lực lượng hạt nhân quốc gia bị đe dọa tấn công bởi các thế lực thù địch, đòn tấn công hạt nhân sẽ tự động được kích hoạt ngay lập tức để tiêu diệt các thế lực thù địch, bao gồm cả nơi xuất phát những hành động khiêu khích và chỉ huy chúng, theo đúng kế hoạch tác chiến được xác định trước đó.”, theo KCNA.
Không từ bỏ vũ khí hạt nhân!
Phát biểu tại kỳ họpp của Hội đồng Nhân dân Tối cao ngày 7/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ VKHN hoặc sử dụng chúng như một con bài thương lượng với Mỹ để phi hạt nhân hóa, Yonhap dẫn thông tin từ truyền thông Triều Tiên hôm 9/9.
“(Chúng tôi sẽ) không bao giờ từ bỏ VKHN và tuyệt đối không có phi hạt nhân hóa, cũng như không thương lượng và không có con bài mặc cả để mua bán trong vấn đề này.”, KCNA trích phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-un.
|
|
Từ tháng 9/2021 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 7 vụ bắn tên lửa trong đó sáng 19/10/2021 đã bắn một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Remonews. |
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng chỉ trích Mỹ đã gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ VKHN bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt, gọi đó là “một sự nhận định sai lầm và một tính toán sai lầm” và sẽ không có hiệu quả cho dù các biện pháp trừng phạt này kéo dài cả trăm năm.
“..Chúng ta sẽ không từ bỏ quyền sinh tồn và quyền tự vệ, quyền đảm bảo an ninh cho tương lai của đất nước và nhân dân chúng ta. Cho dù ở trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy thì chúng ta vẫn cần phải ngăn chặn một cường quốc hạt nhân còn lớn hơn, đó là Mỹ, kẻ đã tạo ra tình thế chính trị - quân sự như hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, chúng ta không thể nào từ bỏ VKHN.”, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh.