Hôm 22/11, 12 Bộ trưởng trong Chính phủ chuyển tiếp của Sudan, bao gồm Ngoại trưởng đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng vừa được phục chức Abdalla Hamdok, để phản đối một thỏa thuận chính trị giữa ông và hội đồng quân sự cầm quyền của nước này.

Thỏa thuận 14 điểm được ông Hamdok và người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền, có tư cách như một nguyên thủ quốc gia tập thể tạm quyền của Sudan, do Tư lệnh quân đội- tướng Abdel Fattah al-Burhan đứng đầu, ký hôm 21/11. Thỏa thuận có điều khoản trả tự do cho tất cả chính trị gia còn bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính; đồng thời xác định tuyên bố hiến pháp năm 2019 vẫn là cơ sở cho một quá trình chuyển đổi chính trị, thực hiện tổng tuyển cử vào tháng 7/2013.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Hamdok (phải) và tướng al-Burhan trong lễ ký thỏa thuận chính trị công bố hôm 21/11 tại thủ đô Khartoum. Ảnh: AP.

Trong khi thỏa thuận được cộng đồng quốc tế hoan nghênh xem đó như chỉ dấu của sự trở lại quỹ đạo của tiến trình dân chủ, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Sudan đã bác bỏ, cho đó là hành động thỏa hiệp với quân đội và là “nỗ lực hợp pháp hóa cuộc đảo chính”. Họ yêu cầu quân đội rút lui hoàn toàn khỏi chính trường, không nên là một phần của bất kỳ chính phủ  nào của Sudan  trong tương lai.

Các Bộ trưởng từ chức nằm trong Chính phủ chuyển tiếp do ông Hamdok lãnh đạo, gồm các nhân vật dân sự và quân đội được thành lập sau một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, được nhất trí sau khi lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir năm 2019.

leftcenterrightdel
Thỏa thuận cũng như những động thái của quân đội Sudan châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới, chống lại sự can dự chính trị của giới quân sự nước này. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên nội các này đã bị Tư lệnh quân đội Sudan, tướng al-Burhan giải tán vào ngày 25/10 sau cuộc đảo chính, cùng với việc bắt giữ nhiều chính trị gia. Động thái của quân đội đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình trên khắp Sudan. Ít nhất 41 người đã thiệt mạng khi an ninh gia tăng trấn áp người biểu tình.

Hôm 11/11, tướng al-Burhan đã chỉ định bản thân và một thuộc cấp đứng đầu Hội đồng Chủ quyền mới, thay vì phải chuyển giao quyền lãnh đạo Hội đồng này cho dân sự như tiến trình đã định, điều gây thêm bất bình đối với các nhóm chính trị chủ trương hướng tới dân chủ và dân sự hóa cai trị, châm ngòi cho các cuộc biểu tình mới.

Hội đồng Chủ quyền mới gồm 14 thành viên, đại diện các khu vực của Sudan và các nhóm nổi dậy đã đạt được thỏa thuận hòa bình với quân đội, nhưng không có đại diện từ liên minh chính trị Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), lực lượng vốn dẫn đầu các cuộc biểu tình chủ trương đưa đất nước theo con đường dân chủ hóa.

Văn Phong/Alja