Hôm 21/11, quân đội Sudan đã phục chức cho Thủ tướng Abdalla Hamdok, người đã bị họ phế truất trong cuộc đảo chính hôm 25/10.
Theo một thỏa thuận ký giữa Tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan với ông Hamdok, ông sẽ trở lại lãnh đạo một chính phủ dân sự mới gồm các nhà kỹ trị trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi đất nước tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2023. Giới quân sự cũng cam kết thả những chính trị gia còn lại đang bị giam giữ kể từ hôm 25/10.
Thỏa thuận đã vấp phải sự phản đối của các nhóm ủng hộ dân chủ, những người đã yêu cầu giới quân sự từ bỏ chính trường, nhường chỗ cho một chính quyền dân sự hoàn toàn.
|
|
Bất chấp việc giới quân sự Sudan “xuống nước” trong một thỏa thuận mới cùng với việc phục chức cho Thủ tướng, các cuộc biểu tình do lượng ủng hộ dân chủ khởi xướng vẫn diễn ra hôm 21/11. Ảnh: AP. |
"Hamdok đã ‘bán đứng’ cuộc cách mạng", những người biểu tình hô vang sau khi thỏa thuận được công bố. Hiệp hội Chuyên gia Sudan (SPA), một nhóm chính trị dẫn đầu yêu cầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, gọi việc thỏa hiệp của ông Hamdok với giới quân sự là sự "phản bội".
Một số lãnh đạo thuộc Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), liên minh dân sự chia sẻ quyền lực với quân đội trước cuộc đảo chính, nhưng hiện không được đề cập trong thỏa thuận, mô tả ông Hamdok tham gia thỏa thuận là "bất hợp pháp và vi hiến" và cung cấp vỏ bọc chính trị cho cuộc đảo chính; tái khẳng định lập trường không đàm phán và không hợp tác với giới quân sự; tuyên bố, những người thực hiện và ủng hộ cuộc đảo chính phải đối mặt với công lý.
|
|
Người biểu tình yêu cầu giới quân sự rời khỏi chính trường, nhường chỗ cho sự cai trị dân sự hoàn toàn. Ảnh: AP. |
Hàng chục nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình như kế hoạch hôm 21/11 ở thủ đô Khartoum và các thành phố Omdurman, Bahri. Người biểu tình cho biết lực lượng an ninh đã bắn đạn và hơi cay để giải tán họ. Theo Hiệp hội bác sĩ Sudan, một thiếu niên 16 tuổi trong đoàn người biểu tình đã chết vì đạn bắn.
"Hamdok đã khiến chúng tôi thất vọng. Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là xuống đường.", Omar Ibrahim, một người biểu tình ở Khartoum bày tỏ.
|
|
Biểu tình ở thủ đô Khartoum ngày 21/11. Ảnh: AFP. |
Mỹ, Anh, Na Uy, Liên minh Châu Âu, Canada và Thụy Sĩ hoan nghênh việc phục chức cho ông Hamdok; đồng thời ra một tuyên bố chung kêu gọi trả tự do cho những chính trị gia khác còn đang bị quân đội giam giữ.
Liên hợp quốc hoan nghênh thỏa thuận nhưng cho biết, tất cả các bên cần “khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn tại để hoàn thành quá trình chuyển đổi chính trị một cách toàn diện, tôn trọng nhân quyền và pháp quyền”.
“Chúng tôi cũng hy vọng rằng tất cả những người bị bắt giữ vào hoặc sau ngày 25/10 sẽ được trả tự do ngay lập tức như một động thái đầu tiên để thực hiện thỏa thuận này.”, phái bộ LHQ tại Sudan cho biết.
|
|
Ông Hamdok nói việc ông đồng ý với thỏa thuận với giới quân sự là để ngăn chặn thêm đổ máu. Ảnh: Hannibal Hanschke/Reuters. |
Các cường quốc Phương Tây hồi tháng trước đã lên án việc tiếp quản quyền lực bằng bạo lực của quân đội và lập tức đình chỉ các khoản viện trợ kinh tế cho Sudan, quốc gia đang cố gắng phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Cuộc đảo chính đã gây ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của công chúng do các nhóm ủng hộ dân chủ khởi xướng chống lại quân đội. Với việc đổ máu tiếp theo hôm 21/11, phong trào biểu tình nói, lực lượng an ninh đã giết chết 41 thường dân trong các cuộc đàn áp ngày càng leo thang.
Tại lễ ký kết thỏa thuận được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước, ông Hamdok nói việc ông đồng ý với thỏa thuận này là để ngăn chặn thêm thương vong; đồng thời kêu gọi các lực lượng chung tay ngăn chặn đổ máu, cùng nhau xây dựng và phát triển đất nước.