Thủ tướng Abdalla Hamdok đã bị lực lượng quân đội bắt giữ và đưa đến một địa điểm không xác định sau khi ông từ chối đưa ra tuyên bố ủng hộ một cuộc đảo chính, trong khi các binh sĩ cũng bắt giữ một số thành viên trong ban lãnh đạo dân sự của đất nước, tuyên bố của Bộ Thông tin Sudan hôm 25/10 cho biết.

Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi kênh truyền hình Al-Hadath có trụ sở tại Dubai nóit, lực lượng an ninh đã bao vây nhà Thủ tướngHamdok và quản thúc ông tại gia.

Nhiều thành viên dân sự trong Hội đồng chủ quyền Sudan - cơ quan gồm các đại diện dân sự và quân sự được thành lập để điều hành chính phủ lâm thời của nước này từ tháng 8, cũng bị bắt giữ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Ibrahim al-Sheikh, Thống đốc thủ đô Khartoum, Ayman Khalid, Bộ trưởng Thông tin Hamza Baloul, cố vấn truyền thông của Thủ tướng Faisal Mohammed Saleh và người phát ngôn của Hội đồng Chủ quyền Sudan, Mohammed al-Fiky Suliman.

leftcenterrightdel
Người dân xuống đường hưởng ứng lời kêu gọi của nhóm chủ trương chính quyền dân sự SPA. Ảnh: MXH/Reuters. 

Người thân của các quan chức bị bắt giữ xác nhận, cha và chồng của họ đã được đưa khỏi nhà lúc sáng sớm.

Các lực lượng quân sự đã triển khai khắp thủ đô Khartoum, phong tỏa các con đường vào thành phố, quyền tiếp cận internet và điện thoại di động đã bị hạn chế, sân bay Khartoum cũng đã bị đóng cửa và các chuyến bay quốc tế bị đình chỉ.

Hiệp hội chuyên gia Sudan (SPA), một nhóm chính trị dẫn đầu yêu cầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, mô tả động thái của quân đội là một cuộc đảo chính quân sự và kêu gọi công chúng xuống đường.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, người được cho đã bị quân đội nước này bắt giữ trong một cuộc binh biến hôm 25/10. Ảnh: Hannibal Hanschke/ Reuters. 
 

“Chúng tôi kêu gọi quần chúng xuống đường, phong tỏa mọi con đường bằng rào chắn, tổ chức một cuộc tổng biểu tỉnh, không hợp tác với những kẻ bạo ngược và sử dụng biện pháp bất tuân dân sự để đấu tranh với chúng.”, thông cáo của SPA viết.

Đáp lại lời kêu gọi, hàng nghìn người đã xuống đường ở Khartoum và Omdurman, đốt cháy lốp xe, hô vang khẩu hiệu “Hãy mạnh mẽ, lùi bước không phải một lựa chọn”, khi lực lượng an ninh sử dụng hơi cay để giải tán.

Tuần trước, hàng chục nghìn người Sudan đã tuần hành ở một số thành phố để ủng hộ việc chuyển giao toàn bộ quyền lực cho lực lượng dân sự.

leftcenterrightdel
Người biểu tình đốt lốp xe, phong tỏa một con đường ở Khartoum để phản đối các thành viên Chính phủ Sudan bị giam giữ. Ảnh: AFP. 

Việc quân đội tiếp quản quyền lực được xem là một bước lùi lớn đối với Sudan, quốc gia đã phải vật lộn với quá trình chuyển đổi sang dân chủ kể từ khi nhà chuyên quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019, sau làn sóng biểu tình khắp cả nước.

Vụ binh biến hôm 25/10 diễn ra sau nhiều tuần căng thẳng gia tăng giữa các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của Sudan. Một nỗ lực đảo chính thất bại vào tháng 9 đã khiến đất nước rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc, trong đó những người bảo thủ muốn có một chính phủ quân sự chống lại những người đã lật đổ ông al-Bashir hai năm trước.

Văn Phong/ Alja, Reuters, DS.