Tổng tư lệnh quân đội Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan, người dẫn đầu cuộc đảo chính hôm 25/10, loại bỏ chính phủ chuyển tiếp của đất nước, đã chỉ định một Hội đồng Chủ quyền mới, truyền hình nhà nước Sudan đưa tin hôm 11/11.
Hội đồng Chủ quyền mới gồm 14 thành viên, đại diện các khu vực của Sudan và các nhóm nổi dậy đã đạt được thỏa thuận hòa bình với quân đội, nhưng không có đại diện từ liên minh chính trị Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), lực lượng vốn dẫn đầu các cuộc biểu tình chủ trương đưa đất nước theo con đường dân chủ hóa.
Hội đồng quyền lực mới vẫn do “cặp đôi”, tướng al-Burhan đứng đầu và thủ lĩnh của Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) khét tiếng, Mohamed Hamdan Dagalo giữ chức phó.
Phản ứng lại động thái của tướng al-Burhan, cuối ngày 11/11, những người biểu tình chống đảo chính đã xuất hiện trên nhiều khu vực ở thủ đô Khartoum, phong tỏa đường và đốt lốp xe, các nhân chứng cho biết.
Bộ trưởng Thông tin của nội các bị quân đội lật đổ hôm 25/10, Hamza Balloul, cho biết diễn biến này là một phần mở rộng của cuộc đảo chính nhằm củng cố quyền lực của giới quân sự.
|
|
Tổng tư lệnh quân đội Sudan, tướng Abdel Fattah al-Burhan. Ảnh: Ashraf Shazly / AFP. |
Hiệp hội Chuyên gia Sudan (SPA), một nhóm chính trị dẫn đầu yêu cầu chuyển đổi sang chế độ dân chủ, tuyên bố: "Các quyết định của Burhan và hội đồng của ông ấy chỉ có giá trị đối với bản thân họ, chúng không có tính hợp pháp và sẽ chỉ bị phản ứng bởi sự phản kháng và khinh miệt".
Diễn biến mới diễn ra hơn hai tuần sau khi quân đội giải tán Hội đồng Chủ quyền, cùng với nội các dân sự do Thủ tướng Abdalla Hamdok đứng đầu và ban bố tình trạng khẩn cấp.
Cuộc tiếp quản quyền lực của quân đội ở Sudan bằng bạo lực hôm 25/10 (ngay trước thời điểm ông Burhan và cấp phó Dagalo dự kiến sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo Hội đồng cho lực lựng dân sự) đã bị cộng đồng quốc tế lên án rộng rãi, với việc Liên hợp quốc, các nước phương Tây và các quốc gia vùng Vịnh kêu gọi lập tức khôi phục một chính phủ do dân sự lãnh đạo, cùng với việc đóng băng giải ngân các nguồn tài trợ cho nước này. Trong nước, lực lượng ủng hộ dân chủ đã tổ chức các cuộc biểu tình quần chúng phản đối cuộc đảo chính và yêu cầu quân đội rút khỏi chính trường, nhường chỗ cho dân sự.
Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ), Stephane Dujarric, hôm 11/11 mô tả động thái mới nhất của tướng al-Burhan là “rất đáng lo ngại” và cho biết, Tổng thư ký Antonio Guterres muốn “thấy sự trở lại quá trình chuyển đổi càng nhanh càng tốt.” Trong một cuộc họp kín trước Hội đồng Bảo an LHQ, Đặc phái viên LHQ tại Sudan, Volker Perthes, cảnh báo, "cánh cửa đối thoại và giải quyết hòa bình ở Sudan đang đóng lại".
|
|
Biểu tình phản đối quân đội đảo chính và nắm quyền ở thủ đô Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters / Mohamed Nureldin. |
Hội đồng Chủ quyền được thành lập vào năm 2019, đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia tập thể của đất nước, là một phần của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội và dân sự với nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Sudan, sau khi một cuộc nổi dậy rộng rãi và kéo dài dẫn đến việc loại bỏ người cai trị lâu năm Omar al-Bashir.
Trong khi các cuộc biểu tình đường phố yêu cầu đưa Thủ tướng Hamdok bị phế truất trở lại, thì Hội đồng Chủ quyền dường như không có bất kỳ thành viên nào thân cận với ông Hamdok và các cuộc đàm phán giữa quân đội với ông này, cũng như việc thả những chính trị gia còn lại đang bị giam giữ, không có tiến triển.
Trong cuộc đảo chính ngày 25/10, hơn 100 quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị, cùng với một số lượng lớn những người biểu tình và nhà hoạt động, đã bị giới quân sự bắt giữ. Bản thân cựu Thủ tướng Hamdok cũng bị quản thúc tại gia.
Các nhóm ủng hộ dân chủ ở Sudan cam kết tiếp tục đấu tranh chống lại việc duy trì quyền lực của quân đội bằng một chiến dịch bất tuân dân sự, đình công và biểu tình quần chúng, với chiến dịch tiếp theo được lên kế hoạch vào thứ Bảy, 13/11.
Phong trào này hiện đang bị cản trở do điện, Internet và sóng di động bị cắt trên khắp Sudan kể từ cuộc đảo chính hôm 25/10.