Báo Bảo vệ pháp luật đã có phản ánh về việc cơ sở sản xuất gốm sứ của Công ty TNHH Đồng Tâm Hiệp Lực (Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực) đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không bảo đảm điều kiện sản xuất và đã bị UBND huyện Phong Điền yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên, cơ sở này trước khi bị dừng hoạt động đã cung cấp khoảng 120.000 viên ngói cho việc trùng tu Điện Kiến Trung.

leftcenterrightdel
 Cơ sở sản xuất của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực trước khi dừng hoạt động.

Sau khi nhận được phản ánh, cũng như nhận được những câu hỏi của Báo Bảo vệ pháp luật, để làm rõ một số vấn đề xung quanh sự việc này, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Hoàng Hải Minh giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp UBND huyện Phong Điền và các đơn vị liên quan rà soát trả lời các câu hỏi của Báo Bảo vệ pháp luật theo quy định.

Nhận thông tin từ Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Tấn Trọng - Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ theo dõi và sẽ có trao đổi với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về nội dung mà Báo Bảo vệ pháp luật nêu.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có tuyến bài phản ánh về vụ việc trên gồm: “Chính quyền nói gì về cơ sở sản xuất như “quả bom nổ chậm” trong khu dân cư?”“Xung quanh phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói gì?”, “Bất ngờ về tiêu chí lựa chọn ngói cho việc trùng tu Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế” và bài “Sau phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật: Dừng hoạt động cơ sở sản xuất gạch ngói cung cấp sản phẩm trùng tu dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, cơ sở sản xuất gốm sứ của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực được đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không bảo đảm điều kiện sản xuất và UBND huyện Phong Điền đã có văn bản yêu cầu dừng hoạt động của cơ sở này. Tuy nhiên, cơ sở này đã cung cấp khoảng 120.000 viên ngói cho việc trùng tu Điện Kiến Trung.

leftcenterrightdel
 Những bài phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật xung quanh sự việc.

Cụ thể, Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực xây dựng một xưởng sản xuất gốm sứ, gạch men, các loại ngói lợp, giữa cộng đồng khu dân cư đông đúc nằm ngay tại thị trấn Phong Điền. Cơ sở sản xuất này gây bụi bặm, máy móc hoạt động gây tiếng ồn lớn kéo dài ngày đêm, đặc biệt là lò nung gốm hàng ngày thải ra một lượng lớn khí thải độc hại cho môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng nơi đây.

Công ty này không có lắp đặt hệ thống phòng chống cháy nổ, không xây bồn chứa nước chữa cháy. Việc hệ thống an toàn cháy nổ của cơ sở này không bảo đảm khiến người dân lo ngại cơ sở sản xuất này như một “quả bom nổ chậm” giữa lòng khu dân cư.

Sau khi Báo Bảo vệ pháp luật phản ánh, UBND huyện Phong Điền đã có công văn yêu cầu dừng hoạt động sản xuất đối với cơ sở này. Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù chưa bảo đảm về điều kiện sản xuất như vậy, nhưng Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực lại ký được hợp đồng cung cấp hơn 100.000 viên ngói cho việc trùng tu một công trình cực kỳ quan trọng là Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế - dự án trọng điểm không những của tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn là dự án của đất nước ta.

leftcenterrightdel
 Điện Kiến Trung đang được trùng tu. (Ảnh: Võ Thạnh. VNEXPRESS).

Dự án trùng tu Điện Kiến Trung do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư với nguồn vốn ban đầu hơn 120 tỉ đồng. Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung trúng thầu thi công, xây lắp trọn gói dự án này.

Dự án trùng tu này là hợp đồng đấu thầu xây lắp trọn gói, nên phía Ban Quản lý không quan tâm việc đơn vị trúng thầu thi công lấy nguồn vật liệu ở đâu và như thế nào. Ban chỉ cần biết vật liệu đúng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật hay không mà thôi. - Phan Văn Tuấn – Trưởng Ban quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế.

Về việc sử dụng ngói của cơ sở sản xuất là Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lợp mái cho Điện Kiến Trung, ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung xác nhận, đơn vị đã trực tiếp ký hợp đồng kinh tế với Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lấy khoảng 120.000 viên ngói, bao gồm ngói liệt và ngói chiếu để lợp mái cho Điện Kiến Trung nhưng không qua đấu thầu cung cấp ngói.

Việc sử dụng ngói của một cơ sở sản xuất không bảo đảm điều kiện và đã bị chính quyền địa phương buộc dừng hoạt động để lợp cho một công trình mang ý nghĩa lịch sử cấp quốc gia và quốc tế như Điện Kiến Trung nằm trong quần thể di sản kiến trúc cung đình Huế khiến dư luận rất băn khoăn, lo lắng...

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung thừa nhận, đơn vị đã trực tiếp ký hợp đồng kinh tế với Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lấy khoảng 120.000 viên ngói, bao gồm ngói liệt và ngói chiếu để lợp mái cho Điện Kiến Trung nhưng không qua đấu thầu cung cấp ngói.

Được biết, cơ sở sản xuất gốm sứ, gạch men, các loại ngói lợp của Công ty Đồng tâm Hiệp lực chưa được cấp phép sản xuất. Cơ sở này xây dựng để thí điểm sản xuất các loại ngói cổ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, khoảng 120.000 viên ngói bao gồm ngói liệt và ngói chiếu đã được lợp mái cho Điện Kiến Trung.

Với một cơ sở sản xuất thí điểm như vậy, loại ngói mà cơ sở này đã sản xuất liệu đã được kiểm định chất lượng hay chưa?. Bên cạnh đó, một cơ sở sản xuất chưa được cấp phép sản xuất, vậy sản phẩm sản xuất ra và được bán liệu có xuất được hóa đơn sản phẩm hay không?.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.

Điện Kiến Trung được khởi công tu bổ vào ngày 16/2/2019 do Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư. Điện Kiến Trung là một trong 5 công trình quan trọng nằm trên trục thần đạo của Tử Cấm Thành dưới triều Nguyễn. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, dưới triều vua Khải Định. Đến thời vua Bảo Đại, vào năm 1932, nhà vua cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện, lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây.

Tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản thế giới, Colombia từ ngày 6 đến 11/12/1993, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã quyết định công nhận quần thể di tích Cố đô Huế là di sản văn hóa của nhân loại. Điện Kiến Trung là một công trình nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế. Việc trùng tu khôi phục Điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.

Xuân Nha - Minh Hiếu