Làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật về việc cơ sản xuất gạch không bảo đảm điều kiện an toàn sản xuất nhưng vẫn cung cấp ngói để trùng tu Điện Kiến Trung, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Trung tâm) cho biết, loại ngói dùng để trùng tu Điện Kiến Trung do Trung tâm làm chủ đầu tư được cung cấp bởi Cơ sở sản xuất gốm sứ của Công ty TNHH Đồng Tâm Hiệp Lực (Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực) đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, Trung tâm không ký hợp đồng cung cấp vật liệu trực tiếp với Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực mà việc ký hợp đồng với công ty này là do đơn vị thi công Dự án thực hiện.

leftcenterrightdel
 Cơ sở sản xuất gốm của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực cung cấp ngói để trùng tu Điện Kiến Trung.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - Hoàng Việt Trung cho hay, qua phản ánh của PV, ông mới biết được thông tin về việc ngói sử dụng để trùng tu Điện Kiến Trung đã lấy từ một cơ sở sản xuất không đảm bảo điều kiện an toàn sản xuất như vậy. Ông Trung cho biết sẽ liên hệ với các cơ quan liên quan để nắm lại vấn đề mà PV Báo Bảo vệ pháp luật nêu.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật điện tử ngày 29/10/2022 đã có bài phản ánh: Chính quyền nói gì về cơ sở sản xuất như “quả bom nổ chậm” trong khu dân cư?. Theo đó, Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực đã xây dựng một xưởng sản xuất gốm sứ, gạch men, các loại ngói lợp, giữa cộng đồng khu dân cư đông đúc nằm ngay tại thị trấn Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Theo phản ánh của người dân, cơ sở sản xuất này gây bụi bặm, máy móc hoạt động gây tiếng ồn lớn kéo dài ngày đêm, đặc biệt là lò nung gốm hàng ngày thải ra một lượng lớn khí thải độc hại cho môi trường, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của cộng đồng.

Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực đã lắp đặt lò nung với nhiều bình ga loại 48 kg tương đương với 1.000kg gaz, nhưng không có lắp đặt hệ thống phòng, chống cháy nổ, không xây bồn chứa nước chữa cháy. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất này phải nhập đất sét để sản xuất và xuất hàng thành phẩm đi nhưng không có hệ thống đường giao thông đấu nối với Quốc lộ 1A tiềm ẩn tai nạn giao thông.

leftcenterrightdel
 Các bình gas sử dụng để nung ngói trong cơ sở sản xuất của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực.

Theo UBND huyện Phong Điền, tháng 8/2021, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, xác minh nội dung đơn phản ánh nêu trên. Sau khi kiểm tra, ngày 30/9/2021, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã có báo cáo gửi UBND huyện Phong Điền đề xuất địa điểm để di dời cơ sở sản xuất này của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực đến địa điểm mới đã được quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay Công ty vẫn chưa liên hệ để lựa chọn địa điểm và thực hiện các thủ tục về thuê đất theo quy định.

Điều đáng nói là với một cơ sở sản xuất không bảo đảm như vậy, nhưng sản phẩm ngói liệt của cơ sở này lại được cung cấp để trùng tu công trình Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thừa nhận có việc sử dụng ngói của cơ sở sản xuất này để trùng tu Điện Kiến Trung. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất ngói cung cấp ngói để trùng tu Điện Kiến Trung bị người dân tố là không bảo đảm điều kiện sản xuất thì ông chưa nắm rõ.

Được biết, Dự án trùng tu Điện Kiến Trung là hợp đồng đấu thầu xây lắp trọn gói do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung trúng thầu thi công. Dự án trùng tu này sử dụng nguồn vốn Trung ương với tổng nguồn vốn khoảng hơn 120 tỉ đồng. Riêng phần xây lắp của dự án theo phê duyệt là ban đầu là 86 tỉ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 90 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung trúng thầu thi công trùng tu Điện Kiến Trung.

Về việc sử dụng vật liệu để trùng tu Điện Kiến Trung, theo ông Phan Văn Tuấn – Trưởng Ban quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế, Dự án trùng tu này là hợp đồng đấu thầu xây lắp trọn gói, nên phía Ban quản lý không quan tâm việc đơn vị trúng thầu thi công lấy nguồn vật liệu ở đâu và như thế nào. Ban chỉ cần biết vật liệu đúng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật hay không mà thôi.

Tương tự, ông Ngô Ngọc Hào – Giám sát viên của Ban quản lý Dự án di tích Cố đô Huế. Việc sử dụng vật liệu xây dựng để trùng tu Điện Kiến Trung là do bên đơn vị thi công Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung ký hợp đồng trực tiếp với phía lò sản xuất gốm sứ Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực. Chỉ khi vật liệu là gạch ngói được đưa vào để thi công thì phía Ban sẽ giám sát chất lượng.

Theo ông Ngô Ngọc Hào, với cương vị một Giám sát viên như ông thì ông không quan tâm đến việc đơn vị thi công ký hợp đồng cung cấp vật liệu với đơn vị nào. Ông chỉ biết giám sát vật liệu vào đủ chất lượng là được sử dụng. Việc giám sát ngói đưa vào để lợp trong việc trùng tu Điện Kiến Trung chỉ được thực hiện bằng mắt thường. “Khi nhìn thấy ngói bị cong, vênh hoặc lệch màu là chúng tôi trả lại không cho sử dụng”, ông Ngô Ngọc Hào nói.

leftcenterrightdel
 Ông Phan Văn Tuấn – Trưởng Ban quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế.

Liên quan đến những vấn đề mà PV cung cấp liên quan đến cơ sở sản xuất gốm của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, về chất lượng ngói để sử dụng để trùng tu Điện Kiến Trung thì có sự đánh giá của hội đồng. Tuy nhiên, việc đơn vị sản xuất ngói để cung cấp cho việc trùng tu Điện Kiến Trung chưa bảo đảm điều kiện an toàn sản xuất như vậy là không được. Nếu biết vấn đề như phản ánh thì phía Trung tâm đã đưa ra khuyến nghị với đơn vị thi công.

“Chắc chắn Trung tâm sẽ không bao giờ cổ súy cho việc sử dụng những sản phẩm của cơ sở sản xuất không đảm bảo như vậy. Theo tôi biết thì các cơ sở phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy, nếu không thì bắt buộc phải đóng cửa”, ông Hoàng Việt Trung nói. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng cho biết, qua phản ánh của PV Báo Bảo vệ pháp luật thì Trung tâm sẽ nắm lại và coi đây là một việc cần rút kinh nghiệm cho những việc sau này…

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, PV Báo Bảo vệ pháp luật đã cố gắng liên hệ làm việc với ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung. Tuy nhiên, ông Tuấn không có ở trụ sở làm việc và cũng không bắt máy trả lời điện thoại. Nhận được tin nhắn liên hệ làm việc với phóng viên, ông Tuấn cho biết đã đi Hà Nội và không có lãnh đạo nào của đơn vị có mặt tại trụ sở để làm việc với PV.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.

 Điện Kiến Trung là di tích quan trọng  nằm trên trục thần đạo của khu tử cấm thành dưới triều nhà Nguyễn. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, dưới triều vua Khải Định. Đến thời vua Bảo Đại, vào năm 1932, nhà vua cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện, lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây.

Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế. Đây cũng là nơi làm việc và sinh hoạt của 2 vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là vua Khải Định và Bảo Đại. Việc trùng tu khôi phục Điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.

P.V