Ngày 3/4, trao đổi với Báo Bảo vệ pháp luật, ông Hồ Đôn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND huyện Phong Điền đã có công văn yêu cầu dừng hoạt động sản xuất đối với Công ty TNHH Đồng Tâm Hiệp Lực (Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực).

Theo đó, công văn số 682/UBND-TNMT của UBND huyện Phong Điền yêu cầu Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực dừng hoạt động sản xuất gốm tại vị trí thửa đất số 430, tờ bản đồ số 30, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên nhân dừng hoạt động do vị trí nhà xưởng sản xuất gốm của cơ sở không phù hợp quy hoạch tiểu thủ công nghiệp được phê duyệt.  

leftcenterrightdel
 Cơ sở sản xuất của Công ty Đồng Tâm Hiệp lực trước khi dừng hoạt động.

UBND huyện Phong Điền yêu cầu UBND thị trấn Phong Điền tăng cường kiểm tra, theo dõi việc dừng hoạt động sản xuất gốm của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực như đã nói trên và kịp thời báo cáo UBND huyện. Phòng TN-MT huyện Phong Điền phối hợp với UBND thị trấn Phong Điền kiểm tra, theo dõi việc thực hiện cam kết dừng hoạt động sản xuất gốm của Công ty này, đồng thời, tham mưu UBND huyện xử lý (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có các bài phản ánh về việc cơ sở sản xuất gốm sứ của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực đặt tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa bảo đảm điều kiện sản xuất. Cơ sở này sản xuất gạch men, các loại ngói lợp, giữa cộng đồng khu dân cư đông đúc nằm ngay tại thị trấn Phong Điền không đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo về môi trường.

Sau phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật, cuối năm 2022, Công an huyện Phong Điền đã kiểm tra và có quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở này vì không bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy. UBND huyện Phong Điền cũng giao Phòng TN-MT kiểm tra đối với cơ sở sản xuất này. Sau đó, UBND huyện Phong Điền tiếp tục có công văn yêu cầu Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực dừng hoạt động đối với cơ sở gốm sứ này.

leftcenterrightdel
 Báo Bảo vệ pháp luật đã có các bài phản ánh liên quan đến việc Cơ sở sản xuất của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực cung cấp ngói để trùng tu Điện Kiến Trung.

Điều đáng nói, mặc dù chưa bảo đảm về điều kiện sản xuất như vậy, nhưng Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực lại ký được hợp đồng cung cấp hơn 100.000 viên ngói cho việc trùng tu một công trình cực kỳ quan trọng là Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế - dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án trùng tu Điện Kiến Trung là hợp đồng đấu thầu xây lắp trọn gói do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung trúng thầu thi công. Dự án trùng tu này sử dụng nguồn vốn Trung ương với tổng nguồn vốn khoảng hơn 120 tỉ đồng.

Về việc sử dụng vật liệu là sản phẩm ngói của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để trùng tu Điện Kiến Trung, theo ông Phan Văn Tuấn – Trưởng Ban quản lý Dự án Di tích Cố đô Huế, Dự án trùng tu này là hợp đồng đấu thầu xây lắp trọn gói, nên phía Ban Quản lý không quan tâm việc đơn vị trúng thầu thi công lấy nguồn vật liệu ở đâu và như thế nào. Ban chỉ cần biết vật liệu đúng tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật hay không mà thôi.

leftcenterrightdel
 Ngói của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực được cung cấp để trùng tu Điện Kiến Trung - một dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế.

Xác nhận vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (Phân viện) cho biết đơn vị đã trực tiếp ký hợp đồng kinh tế với Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực để lấy khoảng 120.000 viên ngói bao gồm ngói liệt và ngói chiếu để lợp mái cho Điện Kiến Trung.

Về tiêu chuẩn để phía Phân viện chọn sản phẩm là ngói liệt, ngói chiếu của Công ty Đồng Tâm Hiệp Lực là đơn vị cung cấp chỉ cần xuất trình được đăng ký kinh doanh và có 2 loại ngói đạt tiêu chuẩn như yêu cầu của chủ đầu tư là được. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn khẳng định, phía Phân viện không quan tâm cơ sở sản xuất có vi phạm pháp luật gì hay không, chỉ quan tâm chất lượng ngói có đạt theo yêu cầu hay không.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (bên trái) làm việc với PV Báo Bảo vệ pháp luật vào cuối tháng 11/2022.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện tại, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 cơ sở sản xuất loại ngói có thể sử dụng để trùng tu các công trình tại Đại Nội Huế. Tuy nhiên, đơn vị được lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu mà không cần phải đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu vì pháp luật không quy định.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh về việc Điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế sử dụng ngói lợp của một cơ sở sản xuất gạch ngói bị dừng hoạt động do không đảm bảo quy định của pháp luật.

Điện Kiến Trung là di tích quan trọng nằm trên trục thần đạo của khu tử cấm thành dưới triều nhà Nguyễn. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 1921 và hoàn thành vào năm 1923, dưới triều vua Khải Định. Đến thời vua Bảo Đại, vào năm 1932, nhà vua cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện, lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây.

Điện Kiến Trung là công trình tiêu biểu quan trọng, đánh dấu một giai đoạn độc đáo và đặc sắc bổ sung cho kiến trúc cung đình Huế. Đây cũng là nơi làm việc và sinh hoạt của 2 vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là vua Khải Định và Bảo Đại. Việc trùng tu khôi phục Điện Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.

Xuân Nha - M.H