Ngày 22/3, thông tin trích dẫn từ Thanh tra huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, cho biết, cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an huyện để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến bà Đặng Thị Hòa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Me.

Quyết định chuyển hồ sơ được thực hiện sau khi Thanh tra huyện Tánh Linh làm việc với Công an huyện, VKSND huyện và Ủy ban kiểm tra Huyện ủy xem xét, đánh giá các nội dung liên quan và xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Nguồn tin của BVPL xác nhận, vụ việc đang trong giai đoạn thụ lý tin báo tội phạm.

Trước đó, kết luận thanh tra số 01/KL-TTra, ngày 5/2 của Thanh tra huyện Tánh Linh về thanh tra đột xuất công tác quản lý ngân sách và ngoài ngân sách đối với Trường Tiểu học Đồng Me, trong 3 năm 2021-2023, đã phát hiện một số sai phạm liên quan công tác tài chính- kế toán, trong đó lập chứng từ khống để “giải ngân” một số khoản chi sai quy định.

Đáng chú ý nhất trong sai phạm tại Trường Tiểu học Đồng Me là nội dung chi chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo và chế độ phụ cấp ưu đãi khuyết tật cho bà Đặng Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Me.

Kiểm tra hồ sơ liên quan, cho thấy, từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2023 trong Bảng phân công chuyên môn của nhà trường do bà Đặng Thị Hòa ký có tự phân công cho bà đứng lớp 2 tiết/tuần theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Thông tư hợp nhất số 7 03/VBHN-GDĐT, ngày 23/6/2017 của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

Theo hồ sơ kế toán, từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2023, bà Đặng Thị Hòa đã nhận đầy đủ chế độ phụ cấp với số tiền gần 302 triệu đồng, bao gồm phụ cấp ưu đãi nhà giáo trên 299 triệu đồng (được thanh toán theo lương hàng tháng), phụ cấp ưu đãi khuyết tật hơn 2,6 triệu đồng.

Làm việc với bà Đặng Thị Hòa vào ngày 28/12/2023, bà thừa nhận mình có đến lớp theo quy định nhưng các giáo viên chủ nhiệm tự nguyện dạy thay cho bà; tuy nhiên, sau đó bà không ký biên bản làm việc với lý do bà nói bị mệt không thể tiếp tục làm việc.

Tại buổi làm việc tiếp theo, ngày 11/1, với Đoàn Thanh tra, bà Đặng Thị Hòa trình bày, bà có đứng lớp giảng dạy 2 tiết/tuần theo bảng phân công chuyên môn.

Tuy nhiên làm việc với các giáo viên chủ nhiệm có bảng phân công bà Đặng Thị Hòa đứng lớp 2 tiết/tuần, các giáo viên này trình bày: Từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2022 - 2023 bà Đặng Thị Hòa không đứng lớp 2 tiết/tuần, số tiết này đều do các giáo viên dạy.

leftcenterrightdel
 Trường Tiểu học Đồng Me, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Văn Anh.

Riêng bà Phan Thị Lệ Hà trình bày bà Hòa có đứng một vài tiết trong lớp của bà. Ngoài ra, Đoàn Thanh tra cũng làm việc với một số giáo viên khác trong trường, bao gồm ông Trương Văn Viên- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Me, để làm rõ việc bà Đặng Thị Hòa có trực tiếp đứng lớp 2 tiết/tuần theo quy định hay không, những người này đều trình bày bà Hòa không dạy 2 tiết/tuần, bà chỉ mới đi dạy sau khi Đoàn Thanh tra về công bố quyết định thanh tra đột xuất.

Cơ quan Thanh tra kết luận, như vậy trường hợp bà Đặng Thị Hòa, Hiệu trưởng không đứng lớp 2 tiết/tuần nhưng vẫn hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp ưu đãi khuyết tật với số tiền gần 302 triệu đồng là sai quy định.

Cụ thể, đối với chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo từ tháng 1/2018 đến tháng 11/2019, bà Đặng Thị Hòa đã nhận với số tiền hơn 116,5 triệu đồng là sai quy định tại khoản 2, Mục II, Thông tư 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC,ngày 27/3/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ quy định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định nêu trên thì nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng.

Theo Thanh tra huyện Tánh Linh, trường hợp bà Hòa không tham gia giảng dạy thì đương nhiên không được tính chế độ phụ cấp ưu đãi 70%.

Đối với chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2021, bà Đặng Thị Hòa đã nhận với số tiền hơn 101 triệu đồng là sai quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 13, Nghị định 76/2019/NĐ-CP, ngày 8/10/2019 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định nêu trên thì phải đạt từ 50% định mức giờ giảng dạy trong tháng trở lên mới được tính cả tháng. Như vậy trường hợp bà Đặng Thị Hòa không tham gia giảng dạy thì đương nhiên không được tính chế độ phụ cấp ưu đãi 70%.

Đối với chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo từ tháng 6/2021 đến tháng 9/2023, bà Đặng Thị Hòa đã nhận với số tiền hơn 81,6 triệu đồng là sai quy định tại điểm c, khoản 1, Mục I, Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BDG&ĐTBNV-BTC, ngày 23/01/2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐTTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Theo quy định nêu trên thì đối tượng được hưởng phụ cấp là: “Cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền”.

Như vậy, trường hợp bà Đặng Thị Hòa không tham gia giảng dạy thì đương nhiên không được tính chế độ phụ cấp ưu đãi 35%.

Đối với chế độ phụ cấp ưu đãi khuyết tật, cơ quan Thanh tra két luận, bà Đặng Thị Hòa đã nhận phụ cấp ưu đãi khuyết tật với tổng số tiền hơn 2,6 triệu đồng là sai quy định khoản 2, Điều 7, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Theo quy định nêu trên thì nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập mới được hưởng phụ cấp ưu đãi.

PV